Phát triển cơ sở dữ liệu số

Xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền tảng, ứng dụng số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai CĐS toàn diện. Bởi vậy, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực cập nhật, chuẩn hóa, làm sạch và làm giàu dữ liệu, nhất là dữ liệu chuyên ngành có liên quan đến người dân. Tỉnh Bắc Giang là một trong 10 tỉnh đầu tiên của cả nước tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa CSDL quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh.

Công trình thanh niên số hóa di tích được đoàn viên thanh niên trong tỉnh tích cực hưởng ứng.
Công trình thanh niên số hóa di tích được đoàn viên thanh niên trong tỉnh tích cực hưởng ứng.

Để làm giàu kho dữ liệu, giúp người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có với 36 dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện không sử dụng hồ sơ giấy, cuối năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các biểu mẫu điện tử, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Chuyển đổi, làm sạch hơn 40 nghìn tài khoản công dân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và các hệ thống có liên quan đến giải quyết TTHC sang VNeID. Lực lượng công an thường xuyên cập nhật, bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” để thuận lợi khai thác giải quyết TTHC. Tính đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa trên địa bàn tỉnh đạt hơn 81%; toàn tỉnh đã gửi hơn 250 nghìn yêu cầu xác thực thông tin công dân trên CSDL quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết TTHC. Cách làm này làm giảm chi phí và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho công dân.

Cùng với phát triển CSDL dùng chung, tỉnh còn quan tâm xây dựng CSDL chuyên ngành đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử như Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì hiệu quả hệ thống CSDL ngành, cung cấp phần mềm quản lý trường học dành cho 1.061 cơ sở giáo dục toàn tỉnh sử dụng thường xuyên; triển khai hiệu quả việc chuyển đổi từ hồ sơ, sổ sách giấy sang áp dụng hồ sơ điện tử với 509 đơn vị.

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục vận hành ổn định nhiều hệ thống CSDL quan trọng của ngành như: Kho lưu trữ tài nguyên và môi trường, quan trắc môi trường tự động, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước và CSDL đất đai. Đặc biệt, tính đến tháng 9/2024, hệ thống CSDL đất đai đã số hóa được 768.494 hồ sơ. Sở Nội vụ đã cập nhật xong thông tin của hơn 43 nghìn trường hợp vào phần mềm CSDL quản lý cán bộ công chức, viên chức, bộ máy, biên chế tỉnh Bắc Giang. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn thành thu thập, cập nhật thông tin của các CSDL về đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động, trẻ em.

Ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: “Việc nỗ lực xây dựng, hoàn thiện các hệ thống CSDL chuyên ngành, kết nối liên thông với CSDL quốc gia về dân cư đã tạo thuận lợi trong khai thác dữ liệu giải quyết TTHC. Đồng thời góp phần giảm khối lượng hồ sơ giấy đang được lưu trữ quản lý tại cơ quan hành chính”.

Tác động tích cực đến mọi mặt đời sống

CĐS đã lan tỏa sâu rộng và hiện diện trong đời sống hằng ngày của người dân. Từ chỗ nhiều người còn cảm thấy xa lạ với dịch vụ công trực tuyến thì nay tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của tỉnh đạt cao với 86,1%. Công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được đẩy mạnh.

Hướng dẫn người dân làm hồ sơ trực tuyến tại bộ phận một cửa huyện Tân Yên.
Hướng dẫn người dân làm hồ sơ trực tuyến tại bộ phận một cửa huyện Tân Yên.

Ở trụ cột kinh tế số, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.575 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử. 9 tháng năm 2024, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt hơn 16,8% bao gồm doanh số bán lẻ trên shopee, sendo, lazada, tiki, tiktok shop và trên nền tảng online.

Đối với trụ cột xã hội số, tỉnh đã triển khai rộng rãi việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại; chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến trong tất cả các loại hình dịch vụ công thiết yếu như điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí giải quyết TTHC. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho người có công, đối tượng bảo trợ hằng tháng. Hiện nay, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống cấp số thứ tự khám chữa bệnh tự động; 80% trung tâm y tế tuyến huyện và 100% bệnh viện tuyến tỉnh ứng dụng phần mềm quản lý xét nghiệm; 100% cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh có điểm cầu truyền hình trực tuyến áp dụng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, phục vụ giao ban trực tuyến.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn về kỹ năng số cho cán bộ quản lý và giáo viên toàn ngành; trong đó tập trung vào phương pháp dạy học hiện đại, mô hình "lớp học đảo ngược". Chị Nguyễn Thị Hương ở xã Liên Giới (Tân Yên) đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: "Hiện nay, bệnh viện có máy bấm số và gọi số tự động, không lo bị chen ngang; kết quả những lần khám trước được lưu trữ trên máy tính nên tôi không phải mang theo nhiều giấy tờ". 

Là lực lượng nòng cốt trong tiến trình CĐS của tỉnh, Tỉnh đoàn đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm xây dựng công dân số. Theo anh Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, các cơ sở đoàn đã hỗ trợ 2.190 người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử và hơn 30 nghìn người thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Duy trì 51 điểm "chợ dân sinh không dùng tiền mặt" và tuyên truyền đoàn viên thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.

Tiếp tục chuyển đổi số toàn diện

Được triển khai đồng bộ trên cả 3 trục: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số, CĐS toàn diện đã cho thấy nhiều kết quả tích cực, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển KT-XH ngày càng nhanh và bền vững của tỉnh. Ba năm liên tiếp (2020, 2021, 2022), tỉnh Bắc Giang đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về chỉ số CĐS và dẫn đầu cả nước ở chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính chính quyền điện tử, chính quyền số” trong chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.

Các đại biểu tham quan gian hàng công nghệ tại Ngày hội Chuyển đổi số năm 2023.
Các đại biểu tham quan gian hàng công nghệ tại Ngày hội Chuyển đổi số năm 2023.

Bên cạnh những kết quả tích cực, tỉnh Bắc Giang cũng thẳng thắn phân tích, đánh giá những hạn chế tồn tại để khắc phục với phương châm rõ người, rõ việc; làm đâu chắc đó. Để tiến nhanh, tiến chắc hơn nữa trên hành trình CĐS, tỉnh tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai kế hoạch CĐS ở một số lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên, như: Giáo dục, du lịch, nội vụ, công thương, giao thông vận tải… Cùng đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về CĐS; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy CĐS. Phát triển hạ tầng số hiện đại, nâng cao năng lực quản trị số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, thương mại điện tử và thanh toán điện tử. Phát triển dữ liệu số, xã hội số, văn hóa số. Ứng dụng công nghệ số trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuỗi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, ứng dụng IoT để hỗ trợ theo dõi, giám sát và tự động hóa quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Sở Giao thông - Vận tải xây dựng CSDL kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường tỉnh bằng phương pháp khảo sát, thu thập dữ liệu thực địa và số hoá các hồ sơ hạ tầng kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp CSDL hạ tầng giao thông cho Hệ thống giao thông thông minh và đô thị thông minh của tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các đối tác triển khai nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy học từ năm 2025.

Tỉnh đoànvận hành, khai thác hiệu quả tính năng của “Bản đồ số địa chỉ tình nguyện Bắc Giang”, “Cẩm nang du lịch số Bắc Giang”, website và zalo mini app “Công nhân Bắc Giang”.

Bá Đoàn