THCL Theo PGĐ Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh, tiền công đức là do các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp nên phải được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và phải được sử dụng đúng mục đích, tâm nguyện của các nhà hảo tâm phát tâm công đức.

Quảng Ninh: 100% tiền công đức phục vụ bảo quản, tu bổ các công trình tín ngưỡng - Hình 1

Tiền công đức là do các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp nên phải được quản lý chặt chẽ

Trước  cáo của Sở Tài chính Quảng Ninh về thực trạng công tác quản lý nguồn thu tiền công đức, tiền giọt dầu tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về thu chi tiền công đức, ngày 23/1/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về công tác này.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo: Tiền công đức do các tổ chức và cá nhân tự nguyện đóng góp tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch. Việc thu, chi đảm bảo đúng mục đích, hòm công đức phải được niêm phong và chỉ được mở kiểm kê thu bằng 2 khóa (một khóa của đại diện cơ quan nhà nước quản lý, một khóa do người chủ trì cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Định kỳ hàng quý thực hiện niêm yết thu, chi công khai tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. 100% tiền công đức phục vụ bảo quản, tu bổ, phục hồi các công trình tín ngưỡng, tôn giáo và các hoạt động thường xuyên tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, tuyệt đối không được dùng cho mục đích khác.

UBND tỉnh giao chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được giao trực tiếp quản lý, xây dựng, ban hành Quy chế quản lý tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu nêu trên, phù hợp tình hình từng địa phương.

Các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ và các đơn vị liên quan trong phạm vi, thẩm quyền của ngành, lĩnh vực phối hợp chặt chẽ với ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền công đức tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Liên quan tới vấn đề này, theo ông Hồ Chí Đức, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, việc ban hành Văn bản số 489/UBND-VX1 nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Đức, tiền công đức là do các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp nên phải được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và phải được sử dụng đúng mục đích, tâm nguyện của các nhà hảo tâm phát tâm công đức.

Vì vậy, văn bản trên ra đời nhằm đảm bảo việc thu, chi tiền công đức đúng mục đích với yêu cầu hòm công đức phải được niêm phong và chỉ được mở kiểm kê thu bằng 2 chìa khoá (một khoá của đại diện cơ quan quản lý nhà nước và một khoá của người chủ trì cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo).

Đồng thời, định kỳ hàng quý thực hiện niêm yết việc thu, chi công khai tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. 100% tiền công đức là để phục vụ hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động thường xuyên tại đây và công tác từ thiện, nhân đạo chứ tuyệt đối không được sử dụng cho mục đích khác.

PV