Doanh nhân Mai Kiều Liên - Vinamilk

Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) trở thành người phụ nữ Việt Nam duy nhất 3 lần được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á với lời ca ngợi: “Vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam; xây dựng Vinamilk không những trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất, mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”.

Những nữ doanh nhân góp phần làm nên thương hiệu Việt - Hình 1

Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên - Vinamilk

Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên (sinh năm 1953) sinh ra và lớn lên ở Pháp. Dưới thời Liên Xô cũ, bà sang Moscow học ngành chế biến sữa. Năm 1976, sau khi lấy được tấm bằng kỹ sư, bà trở về Việt Nam với mong muốn được cống hiến tài năng và sức trẻ cho Tổ quốc. 

Trở về quê hương, bà làm việc cho Công ty Sữa và Cà phê miền Nam (tiền thân của Vinamilk), và có nhiều đóng góp trong việc hiện đại hóa doanh nghiệp này của Việt Nam. Từ công việc ban đầu là kỹ sư, bà Mai Kiều Liên lên chức trưởng ca, rồi phó giám đốc kỹ thuật, phó tổng giám đốc phụ trách kinh tế và đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay. Năm 2003, khi Vinamilk được cổ phần hóa, bà kiêm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Từng ấy năm công tác và lãnh đạo, nữ doanh nhân Mai Kiều Liên đã có nhiều đóng góp to lớn giúp Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong nước và có vị thế trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Vinamilk cũng tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu sữa của người Việt và phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành sữa Việt Nam. Chính vì thế, tạp chí Forbes đã đề cao: “Doanh nhân Mai Kiều Liên không những đã xây dựng Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất, mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”.

Doanh nhân Phạm Thu Hương - Vingroup

Bà Phạm Thu Hương được biết đến là một trong những người sáng lập Vingroup - tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam - và giữ vai trò là Phó chủ tịch thường trực thứ hai. Bà được coi là "nữ tướng" quyền lực của Vingroup.

Bà Hương sinh ngày 14/6/1969 tại Hà Nội. Bà có bằng cử nhân luật quốc tế tại Ukraina. Nữ doanh nhân này cũng là vợ của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng. Cũng giống như chồng, bà Hương luôn nằm trong top đầu những nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Được biết, bà Hương là một trong số ít người đầu tiên sát cánh cùng tỷ phú Phạm Nhật Vượng ngày đầu khởi nghiệp. Năm 1993, vợ chồng bà Hương cùng một số bạn bè là sinh viên mới tốt nghiệp chuyển từ Matxcơva đến Kharkov lập nghiệp. Công việc đầu tiên của vợ chồng bà là xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên cho người Việt.

Việc kinh doanh lớn mạnh, vợ chồng bà thành lập nhà hàng đầu tiên của người Việt tại Kharkov có tên là Thăng Long. Bà Hương được giao trọng trách đầu tiên với vai trò là giám đốc. Công việc ngày càng phát đạt sau khi vợ chồng bà xây dựng thương hiệu mì ăn liền Mivina. Sau đó là việc liên tiếp mở trường mẫu giáo, mở rộng nhà hàng, xây thêm các nhà máy mới và thành lập Tập đoàn Technocom.

Sau đó, Technocom chuyển đại bản doanh về Việt Nam và đổi tên thành Vingroup. Với từng bước tiến, bà Hương luôn theo sát và là cánh tay đắc lực của chồng.

Doanh nhân Lê Thu Thủy - SeABank

Với những thành tích trong quá trình lãnh đạo SeABank, bà Lê Thu Thủy - Phó chủ tịch thường trực HĐQT đã được Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN vinh danh là “Doanh nhân nữ tiêu biểu ASEAN”.

Những nữ doanh nhân góp phần làm nên thương hiệu Việt - Hình 2

Nữ doanh nhân Lê Thu Thủy - SeABank

Bà Lê Thu Thủy gia nhập SeABank từ năm 2008. Trong suốt những năm công tác tại SeABank, bà đã để lại dấu ấn lớn trong quá trình ngân hàng này chuyển mình theo mô hình ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại như hiện nay. Nổi bật là việc Société Générale (Pháp) trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài và hỗ trợ kỹ thuật toàn diện cho SeABank cũng như phát triển chiến lược ngân hàng bán lẻ của ngân hàng này.

Từ năm 2010, SeABank đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ nhận diện thương hiệu, cấu trúc mô hình hoạt động, định hướng phát triển khách hàng, phát triển nguồn nhân lực, quản trị rủi ro và đầu tư công nghệ. Bà cũng là người trực tiếp kết nối và phát triển thành công mối quan hệ hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp lớn hàng đầu trong nước tạo nền tảng cho sự phát triển bán lẻ của ngân hàng.

Với những nỗ lực và giá trị đóng góp vào quá trình phát triển của SeABank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung, bà Lê Thu Thủy đã được nhiều tổ chức vinh danh với nhiều giải thưởng uy tín như “Nhà lãnh đạo ngân hàng năng động nhất 2016” và “Nữ lãnh đạo ngân hàng trẻ xuất sắc nhất 2015” của International Finance Magazine (Vương quốc Anh), “Nhà lãnh đạo ngân hàng trẻ xuất sắc nhất Việt Nam 2014” của Tổ chức Golbal Banking & Finance Review, “Top 10 doanh nhân trẻ thế hệ tiếp nối” của tạp chí Forbes, danh hiệu “Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014” của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam…

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo - Vietjet

Là hãng hàng không tư nhân đầu tiên được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, năm 2012, Vietjet bắt đầu bay thương mại sau 5 năm chuẩn bị. Hãng hàng không này thành công một cách thần kỳ khi chỉ sau 5 năm cất cánh đã vận chuyển 45 triệu lượt hành khách, chiếm 41,5% thị phần hàng không nội địa vào cuối quý II/2016 theo số liệu của CAPA.

Hơn thế, sự hiện diện và hoạt động hiệu quả của Vietjet đã góp phần làm thay đổi thị trường hàng không Việt Nam, biến dịch vụ xa xỉ này trở nên phổ cập với tỷ lệ 30% hành khách của hãng là hành khách lần đầu được đi máy bay.

Những nữ doanh nhân góp phần làm nên thương hiệu Việt - Hình 3

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo - Vietjet

Nhắc đến VietJet, nhiều người thường chú ý tới bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc; song bên cạnh bà Thảo, còn có một “nữ tướng” khác đó là bà Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT...

Minh Anh (T/h)