Mục đích của Hội nghị là nhằm thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT, qua đó phát huy lợi thế của phương thức phân phối hiện đại, khai thác tốt hơn lợi thế của mỗi vùng, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội…

Hội nghị “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (BTB&DHMT)” do Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương Bình Định tổ chức.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền

Tham dự Hội nghị có các vị: Nguyễn Tự Công Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Phạm Văn Nam, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định; Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương; Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế Doanh nghiệp Vừa và nhỏ (DNV&N) và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế - Bộ Tài Chính; Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại Shopee; Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện Tik Tok Việt Nam; đại diện lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh BTB&DHMT; cùng trên 200 DN thuộc các tỉnh khụ vực BTB&DHMT…

Phát biểu chào mừng Hội nghị “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT các tỉnh vùng BTB&DHMT”, thay mặt UBND tỉnh Bình Định, ông  Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Công Thương, hoạt động TMĐT vùng BTB&DHMT nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng trong những năm gần đây đã có sự khởi sắc và tiến triển mới, dần thu hẹp khoảng cách về trình độ, nâng cao năng lực tiếp cận TMĐT cho các DNV&N, truyền thông về TMĐT cho người tiêu dùng và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển KT-XH  của địa phương, của khu vực và của cả nước.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu chào mừng Hội nghị. Ảnh: VH
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu chào mừng Hội nghị. Ảnh: VH

Hiện nay, TMĐT trên địa bàn tỉnh Bình Định phát triển khả quan, quá trình phát triển TMĐT chuyển biến tích cực từ giai đoạn hình thành, tạo lập hạ tầng sang phổ biến rộng rãi và đang từng bước đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh DN và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Năm 2024, chỉ số TMĐT tỉnh Bình Định đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố; tăng 2 bậc so với năm 2023, xếp thứ 6/14 tỉnh, thành thuộc vùng BTB&DHMT. Đến cuối năm 2023, Bình Định có 4.187 website có tên miền quốc gia “.vn” (xếp hạng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trên cả nước). Các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng đạt tỷ lệ cao. Người dân dần thay đổi thói quen từ phương thức mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng trực tuyến.

Các DN trên địa bàn đã quan tâm đến TMĐT, chủ động tham gia các ứng dụng, sàn TMĐT để trao đổi mua bán, xây dựng website riêng đồng thời thực hiện chuyển đổi số trong DN, tăng năng suất hoạt động, hiệu quả quản lý, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở kinh doanh đẩy mạnh phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt. Các cơ quan, ban ngành tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào mọi hoạt động, quản lý của đơn vị...

Bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như: Đội ngũ cán bộ chuyên trách về TMĐT còn thiếu; Khả năng quản trị website, thao tác trên các sàn TMĐT, kỹ năng ứng dụng các phần mềm chăm sóc khách hàng, quản lý đơn hàng, chiến lược bán hàng, marketing, xây dựng thương hiệu tại DN còn hạn chế do thiếu nguồn lực tài chính, nhân sự; Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, sàn TMĐT đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng...

Đại biểu quan khách tham dự Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền
Đại biểu quan khách tham dự Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền

Đồng thời, ông Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị: - UBND tỉnh Bình Định mong muốn Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành sẽ có thêm nhiều hoạt động kết nối, chia sẻ những định hướng quản lý nhà nước và phát triển thị trường nội địa nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp thúc đẩy TMĐT tại địa phương và các tỉnh vùng BTB&DHMT.

Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng chương trình, định hướng phát triển TMĐT cụ thể cho từng địa phương trong đó có Bình Định. Song song với đó, các DN trên địa bàn cùng đồng hành với cơ quan nhà nước; kết nối với các đơn vị giải pháp; tận dụng lợi thế, tiềm năng sẵn có, nắm bắt xu hướng phát triển mới của TMĐT để phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả; từ đó chung tay đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển TMĐT...

Phát biểu khai mạc Hội nghị “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT các tỉnh vùng BTB&DHMT”, thay mặt Ban tổ chức, bà Lê Hoàng Oanh cho biết: Hội nghị là một sự kiện quan trọng nhằm tạo ra cơ hội kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp khai thác hiệu quả các nguồn lực, tạo ra chuỗi giá trị và lợi ích chung cho toàn vùng.

Bà Lê Hoàng Oanh phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VH
Bà Lê Hoàng Oanh phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VH

Theo đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển TMĐT nhanh và năng động nhất trên thế giới. TMĐT đang phát triển rất nhanh nhưng cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế: Khoảng cách phát triển giữa các địa phương không đồng đều, sản phẩm TMĐT của các địa phương nhiều khi trùng lắp và cạnh tranh lẫn nhau.

Vì vậy, Hội nghị lần này là nhằm thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT, qua đó phát huy lợi thế của phương thức phân phối hiện đại, đồng thời, khai thác tốt hơn lợi thế của mỗi vùng, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

Bài toán đặt ra là làm thế nào để các địa phương trong vùng tận dụng TMĐT để đưa các sản phẩm thế mạnh tiêu thụ rộng rãi trong vùng cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ ra khắp cả nước và quốc tế mà vẫn không cạnh tranh lẫn nhau, vẫn liên kết, hỗ trợ nhau theo lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Cục TMĐT và Kinh tế số mong muốn các diễn giả, các chuyên gia tập trung chia sẻ, cung cấp những giải pháp mới, hữu ích, phù hợp với vùng BTB&DHMT, nhằm đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, tử đó phát huy tối đa các nguồn lực của vùng và thúc đẩy phát triển TMĐT – lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số…

Tiếp đó, các đại biểu dự Hội nghị “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT các tỉnh vùng BTB&DHMT” đã được nghe một số báo cáo tham luận của các nhà quản ly, các chuyên gia TMĐT.

Tiêu biểu trong số này là báo cáo “Thực trạng phát triển TMĐT tại tỉnh Bình Định” do ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Địnhtrình bày. Báo cáo cho biết: Cách đây 5 năm, từ những ngày khái niệm TMĐT còn khá xa lạ với người tiêu dùng; giao diện, hiển thị sản phẩm, dịch vụ, gian hàng còn đơn giản; số lượng nhà bán hàng ứng dụng TMĐT chưa đa dạng và tốn nhiều công sức để có những đơn hàng đầu tiên, thì giờ đây TMĐT tỉnh Bình Định đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Ông Nguyễn Đình Kha trình bày báo cáo. Ảnh: Viết Hiền
Ông Nguyễn Đình Kha trình bày báo cáo. Ảnh: Viết Hiền

Theo đó, đến năm 2024, chỉ số TMĐT tỉnh Bình Định đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố; tăng 2 bậc so với năm 2023 (28/63 tỉnh, thành phố); xếp thứ 6/14 tỉnh, thành thuộc các tỉnh vùng BTB&DHMT, sau Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Trong đó: Chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh Bình Định năm 2024 đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố; Tăng 4 bậc so với năm 2023 (19/63 tỉnh, thành phố). Xếp thứ 4/14 tỉnh, thành thuộc các tỉnh vùng BTB&DHMT, sau Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế.  

Chỉ số giao dịch DN với người tiêu dùng (B2C) tỉnh Bình Định năm 2024 đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố; Tăng 3 bậc so với năm 2023 (33/63 tỉnh, thành phố). Xếp thứ 5/14 tỉnh, thành thuộc các tỉnh vùng BTB&DHMT, sau Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế. Chỉ số giao dịch DN với DN (B2B) tỉnh Bình Định năm 2024 đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố; Tăng 3 bậc so với năm 2023 (28/63 tỉnh, thành phố). Xếp thứ 5/14 tỉnh, thành thuộc các tỉnh vùng BTB&DHMT, sau Đà Nẵng, Nghệ An, Khánh Hòa, Thanh Hóa. Đến cuối năm 2023, Bình Định có 4.187 website có tên miền quốc gia “.vn” (xếp hạng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trên cả nước).

Hạ tầng thanh toán: Các chợ, đại lý kinh doanh, siêu thị, trung tâm mua sắm, các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông triển khai các thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hình thức thanh toán trực tuyến của các ngân hàng thương mại và các trung gian thanh toán trực tuyến, ví điện tử (Momo, VnPay, ViettelMoney, Zalo Pay, MobiFone Pay…).

Tính đến tháng 6/2024, số lượng máy giao dịch tự động (ATM/CDM) trên địa bàn tỉnh là 250 máy, số lượng thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS/mPOS) là 1.993 máy. Giao dịch thanh toán không tiền mặt trong 6 tháng đầu năm 2024 là 600.348,8 tỷ đồng. Hạ tầng logistic hỗ trợ TMĐT: Ngày càng được quan tâm phát triển, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, giao nhận hàng hóa. Các đơn vị chuyển phát tăng trưởng về quy mô và số lượng.

Trong đó có các doanh nghiệp lớn: VNPost, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, J&T Express..., đã ứng dụng các hệ thống tra cứu, truy xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa trên nền tảng mã vạch, mã QRcode. Các dịch vụ gọi xe, giao hàng trực tuyến: Grab, Goship… được người dân sử dụng rộng rãi.

Về hạ tầng thông tin: Sở Công Thương vận hành 5 website: Trang thông tin điện tử: //sct.binhdinh.gov.vn; Website thương mại điện tử kết nối giao thương giữa Bình Định và các tỉnh phía Nam nước Lào (//vietlao.vn) với tính năng song ngữ (Việt, Lào) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương hiệu của tỉnh Bình Định đến các tỉnh Nam Lào, đồng thời giúp giới thiệu các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng, đến nay đã hỗ trợ cho hơn 300 DN tham gia giới thiệu các sản phẩm tại website nêu trên, website Bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh Bình Định (//bandohangvietbinhdinh.vn), đây là địa chỉ trực tuyến phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin, địa chỉ các điểm bán hàng cho người dân, du khách trên địa bàn tỉnh.

Các sản phẩm thể hiện trên bản đồ được phân loại theo từng ngành hàng cụ thể giúp người dùng thuận lợi trong tra cứu, mua sắm; ngoài ra, bản đồ còn có tính năng định vị và chia sẻ chính xác các vị trí cửa hàng gần nhất, qua đó giúp du khách tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm cửa hàng; dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về chuyên ngành xúc tiến thương mại và ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Định //thuongmai.binhdinh.gov.vn; Cơ sở dữ liệu Công nghiệp và Thương mại tỉnh Bình Định tại địa chỉ //csdlcongthuongbinhdinh.gov.vn đáp ứng kịp thời, đầy đủ các yêu cầu thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Công Thương...

Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp cung cấp, cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và danh bạ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam – Vietnamexport (www.vietnamexport.com) giúp tăng cường cơ hội giao thương cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh nhà...

Về giải pháp phát triển TMĐT tỉnh Bình Định trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Đình Kha cho biết: Mục tiêu mà tỉnh Bình Định xác định là: Phấn đấu đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua TMĐT chiếm khoảng 10,5 - 11% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2030 trên 40% - 45% các DN đơn vị hoạt động trong lĩnh vực TMĐT tham gia các sàn TMĐT...

Nhằm thực hiện mục tiêu trên, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã đề ra một số giải pháp như:

- Phối hợp các đơn vị có chuyên môn trên cả nước tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về kỹ năng tham gia và bán hàng trên các sàn TMĐT; kỹ năng ứng dụng TMĐT để phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả cho các DN trên địa bàn tỉnh; kỹ năng về công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên môi trường số nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực TMĐT (xây dựng chuyên đề riêng dành cho các đối tượng khác nhau: quản lý nhà nước, nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh…).

- Tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại trực tiếp nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN, HTX, hộ kinh doanh khi tham gia hoạt động TMĐT. Từ đó, có hướng xây dựng nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ hiệu quả cho các đơn vị.

- Hướng đến hỗ trợ phát triển TMĐT cho đối tượng dễ bị tổn thương như tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống; hỗ trợ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận, ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời nghiên cứu, xây dựng các kênh phân phối mới, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa địa phương, nhất là các sản phẩm đặc trưng của tỉnh (như phối hợp với các sàn TMĐT Shopee, TikTok shop… xây dựng chương trình quảng bá đặc sản của Bình Định, ngày hội sản phẩm đặc sản Bình Định, tuần lễ sản phẩm Bình Định trên sàn TMĐT…).

- Xây dựng các chương trình nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm của Bình Định với các DN xuất khẩu, các DN nước ngoài; Hỗ trợ đưa DN tham gia các sàn TMĐT xuyên biên giới (Amazon, Alibaba…).

- Tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cơ quan quản lý thuế, tuyên truyền phổ biến đến các DN,  đơn vị bán lẻ hàng hóa, dịch vụ (nhất là hệ thống các đại lý bán lẻ, cửa hàng tiện lợi), người tiêu dùng ứng dụng các dịch vụ trên nền tảng di động, ứng dụng chữ ký số, thực hiện hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt...

Đại diện Cục TMĐT và KTS, Bộ Công Thương trình bày tham luận. Ảnh: V.H
Đại diện Cục TMĐT và KTS, Bộ Công Thương trình bày tham luận. Ảnh: V.H

Ngoài ra, còn có một số báo cáo, tham luận được các đại biểu dự Hội nghị quan tâm, đánh giá cao, như: “Chính sách và giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại Bình Định và các tỉnh vùng BTB&DHMT” (của Nguyễn An Sơn, đại diện Cục TMĐT và KTS, Bộ Công Thương);

“Quản lý thuế trong hoạt động TMĐT”. (của bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế DNV&N, hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế, Bộ Tài Chính);  

“Sàn Việt – Giải pháp liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử” (của ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Cục TMĐT & KTS); “Giải pháp kết nối TMĐT liên kết vùng cho sản phẩm thông qua sàn giao dịch TMĐT Shopee” (của ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại Shopee);

“Giải pháp phát triển logistics trong thương mại điện tử: Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm” (của ông Trịnh Quang Cảnh, Giám đốc Chi nhánh Viettel post Bình Định);  

“Giải pháp tăng tốc bán hàng trên các nền tảng số thông qua tương tác trực tiếp trên livestream” (của ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tik Tok Việt Nam)...

Viết Hiền

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •