Những trận đánh lớn
Theo báo cáo của Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), tính từ 01/01/2021 đến 30/10/2021, lực lượng Hải quan đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển bắt giữ 208/190 đối tượng; thu giữ 86,15kg và 27 bánh heroin; 92,68kg cần sa; 7,6kg thuốc phiện; 470,54kg và 200.686 viên ma túy tổng hợp; 306,2kg ketamine; 6,9 kg tiền chất acetic anhydride và 1.020 viên chất hướng thần các loại (60 viên diazepham, 90 viên alprazolam, 60 viên temazepam, 810 viên tramadol).
Một số vụ việc điển hình có thể kể đến như: Ngày 17/01/2021, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước; Công an tỉnh Đồng Tháp và Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan chặn bắt và kiểm tra một phương tiện ô tô tại khu vực khóm Thượng 1, thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, phát hiện 03 đối tượng trên xe có chở 02 bao hàng, 04 túi nilon đen, 03 thùng carton chứa 89,4 kg ma túy tổng hợp.
Ngoài ra, qua công tác soi chiếu hàng hóa, thu thập thông tin, ngày 25/3/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra trọng điểm lô hàng xuất khẩu đi Đài Loan được khai báo là quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm... và là quà biếu, quà tặng cá nhân. Sau khi kiểm tra, lực lượng Hải quan đã phát hiện 3,988 kg Ketamin, là loại ma túy tổng hợp cao cấp có trị giá hơn 4 tỷ đồng, được cất giấu tinh vi trong các hộp, gói thức ăn cho mèo hàn kín và seal nylon để trông như mới 100%.
Hay như, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan về việc đấu tranh với đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ châu Âu về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh; thực hiện Kế hoạch đấu tranh Chuyên án HC421/QĐ-HQHN của Cục Hải quan TP Hà Nội, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu đã chỉ đạo Đội 6, phối hợp Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy và Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài cùng Đội 5, Cục Điều tra chống buôn lậu điều tra và triệt phá đối đường dây vận chuyển ma túy lớn tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. Qua đó, bắt giữ 16 đối tượng, tang vật thu giữ 64,552 kg ma túy tổng hợp và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan khác. Mở rộng chuyên án, lực lượng thức năng đã thu giữ tổng cộng hơn 127 kg ma túy các loại và rất nhiều vật chứng liên quan.
Đặc biệt, phải kể đến việc triệt phá thành công chuyên án HK668, chuyên án do Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy C04 (Bộ Công an) xác lập, phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ 280,85 kg Ketamine, với trị giá khoảng 300 tỷ đồng, được cất giấu trong các máy mô tơ điện và trong các thùng xốp chứa dạ dày và lòng lợn đông lạnh để chuẩn bị vận chuyển đi Đài Loan - Trung Quốc tiêu thụ…
Hay mới đây, ngày 11/11, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Cục Hải quan tỉnh Long An), phối hợp với các lực lượng phát hiện 2 đối tượng giấu ma túy dưới xe tải chở xoài, vận chuyển bằng đường bộ từ Campuchia vào Long An qua đường cửa khẩu. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 30 bánh màu vàng, 3 túi trà bên ngoài có in chữ Trung Quốc, 7 túi nylon màu trắng, 4 túi nylon khác đựng những viên nén màu xanh, vàng và 1 bịch khác màu vàng được cất giấu tinh vi. Tổng trọng lượng các vật phẩm trên khoảng 24 kg nghi là ma tuý.
Kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự TP. Hồ Chí Minh (Bộ Công an) xác định số tang vật trên là ma túy các loại, gồm 30 bánh heroin (10,481 kg) và 13,485 kg ma túy tổng hợp các loại.
Tiếp đó, ngày 12/11/2021, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất đi Australia, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh và Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) đã nghi vấn một bưu kiện (trọng lượng hơn 16 kg) do có hình ảnh bất thường. Sau khi tiến hành kiểm tra bưu kiện đã phát hiện gần 4.934gram ma túy là Aphetamine được ngụy trang tinh vi bằng cách đúc giữa các khối sáp thơm, để lẫn cùng với quần áo, đồ chơi trẻ em.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ các vụ phát hiện và bắt giữ của lực lượng Hải quan thời gian qua cho thấy, tội phạm ma túy trong nước và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức che giấu nhân thân và ngụy trang tinh vi, thủ đoạn vận chuyển ngày càng manh động, mang tính liều lĩnh. Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài lợi dụng tuyến cảng biển, tuyến hàng không (bao gồm sân bay, bưu điện, chuyển phát nhanh) để vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, một phần lén lút tiêu thụ trong nước, phần lớn để trung chuyển sang nước thứ ba.
Ngoài ra, loại tội phạm này đang lợi dụng triệt để các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh,… nhất là trong thực hiện thủ tục hải quan, thương mại điện tử, mua bán trao đổi online hoặc qua mạng xã hội đối với hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu để vận chuyển trái phép ma túy.
Bên cạnh những thuận lợi, thành tích đã đạt được, công tác phòng, chống ma túy của ngành Hải quan cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế.
Liên quan đến vướng mắc về quy định pháp luật, hiện chưa có quy định phù hợp để đảm bảo cơ sở pháp lý và hiệu quả thực hiện hoạt động giao hàng có kiểm soát trong phối hợp bắt giữ các đường dây buôn lậu ma túy giữa cơ quan Hải quan với cơ quan Công an nhằm tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy. Đồng thời, chưa có các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về việc cấp – nhận, quản lý, sử dụng mẫu chất ma túy sử dụng trong huấn luyện chó nghiệp vụ phát hiện ma túy. Việc phân định chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, phương thức chủ trì, phối hợp triển khai công tác phòng, chống ma túy chưa được thể chế hóa, quy chế hóa cụ thể, khả thi, phần nào hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên thực tiễn.
Thực tế công tác phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia còn chậm, dẫn đến cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng chưa đẩy mạnh khai thác, phát huy được nguồn thông tin từ xa, thông tin sớm liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách, phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh có nghi vấn liên quan đến hoạt động bất hợp pháp về ma túy, tiền chất.
Hoạt động trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng (gồm: Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) tuy đã được quan tâm, từng bước tập trung đẩy mạnh; song vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế. Cụ thể, thông tin liên quan đến đối tượng, đường dây, tổ chức tội phạm ma tuý hoặc kết quả xử lý các vụ việc, tang vật liên quan đến tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý qua biên giới chưa được đảm bảo trao đổi, cập nhật kịp thời, có hiệu quả giữa các lực lượng chức năng. Công tác phối hợp trong quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, chủ yếu là tiền chất ma túy, mới dừng lại ở mức kiểm soát trong các khâu xuất khẩu, nhập khẩu; công tác quản lý, sử dụng, tiêu hao, tồn đọng còn hạn chế, chưa đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Một số nội dung, kế hoạch phòng, chống ma túy giữa các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng còn mang tính hình thức; việc trao đổi và phản hồi thông tin nghiệp vụ chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đáp ứng yêu cầu tình hình.
Khó khăn về nguồn nhân lực, chế độ chính sách: Lực lượng chuyên trách làm công tác kiểm soát, phòng, chống ma túy của Ngành nhìn chung còn mỏng; trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm trong điều tra, nghiên cứu tội phạm ma túy của một bộ phận cán bộ, công chức tham gia công tác phòng, chống ma túy còn hạn chế. Một số cán bộ được phân công tham gia công tác kiểm soát ma túy có tâm lý ngần ngại vì tính chất đặc thù, thách thức, khó khăn nguy hiểm của công tác đấu tranh đẩy lùi tội phạm ma túy. Để hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống ma túy trong lĩnh vực Hải quan, nhiều năm qua, cán bộ, công chức làm công tác chuyên trách phòng, chống ma tuý của Ngành luôn phải khắc phục khó khăn, gian khổ, thường xuyên công tác tại những địa bàn trọng điểm về ma túy, vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ và thường xuyên phải đối mặt với loại tội phạm nguy hiểm, các rủi ro về nghề nghiệp nhưng hiện nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù.
Từ việc đánh giá toàn diện những kết quả đạt được và khó khăn, hạn chế; phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan; đồng thời, xác định bối cảnh, xu hướng và yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới, ngành Hải quan sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát phòng, chống ma túy trong giai đoạn tới đây.
Hải Minh