Ngành dệt may đang đà khởi sắc
Nhìn lại 1 năm vượt khó
Năm 2018, tình hình thế giới diễn biến phức tạp; xung đột xảy ra ở nhiều nơi; cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh TM gia tăng ngày càng phức tạp và khó lường; KH&CN phát triển nhanh và cuộc CMCN 4.0 tác động sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
Kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm, sau đó xu hướng chững lại bởi ảnh hưởng của cuộc chiến tranh TM Mỹ - Trung đã tác động không nhỏ tới nhiều lĩnh vực, trong đó XK mặt hàng sợi của ngành dệt may vào nửa cuối 2018.
Trong khó khăn, thách thức, với những giải pháp đúng đắn và phương pháp điều hành phù hợp của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân cả nước, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Kim ngạch XK năm nay, đạt mức tăng cao nhất so 2015 (12,1%), 2016 (4,07%) và 2017 (10,8%). Trong đó, XK hàng may mặc đạt 28,78 tỷ USD, tăng 14,45%; XK vải đạt 1,66 tỷ USD, tăng 25,5%; XK xơ sợi đạt 3,95 tỷ USD, tăng 9,9%; XK vải không dệt đạt 528 triệu USD, tăng 15,54%; XK nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,23 tỷ USD, tăng 14,59%.
Ảnh minh họa
Tổng kim ngạch NK nguyên phụ liệu dệt may 2018, ước đạt 21,8 tỷ USD, tăng 15% so với 2017; giá trị thặng dư ước đạt 17,86 tỷ USD, tăng 14,39%. Tỷ lệ giá trị tăng thêm đạt 49,4%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với 2017. Ngoài ra, năm 2018, có tổng số 146 dự án nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may với số vốn đăng ký đạt 1,71 tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI từ trước đến nay lên 2.225 với tổng vốn đăng ký 17,46 tỷ USD.
Với con số 36,1 tỷ USD XK của dệt may, đây là năm đầu tiên, ngành dệt may vươn lên top 3 các nước XK mặt hàng dệt may lớn nhất thế giới. Theo sát Ấn Độ, quốc gia XK mặt hàng dệt may đứng thứ 2 thế giới.
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, nếu như tình hình XK mặt hàng sợi vẫn duy trì tốt như nửa đầu năm 2018, có thể kim ngạch XK của Việt Nam đã vượt Ấn Độ để trở thành quốc gia XK lớn thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc.
Nỗ lực của cộng đồng DN
Lý giải về nguyên nhân giúp ngành dệt may có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, nếu xét về tổng cầu của năm 2018, trên thế giới không có nhiều thay đổi, thậm chí, xu hướng thu hẹp dần. Trong khi đó, ưu đãi về thuế quan vẫn chưa có hiệu lực.
Nguyên nhân của tăng trưởng đó chính là việc dịch chuyển của khu vực sản xuất dệt may lớn nhất thế giới là Trung Quốc sang các khu vực lân cận và Việt Nam được hưởng lợi. Bên cạnh đó, các DN FDI, sau khi đầu tư ở một số nước “đối thủ” của Việt Nam như Bangladesh hay Parkistan, đã nhận ra chất lượng của các sản phẩm dệt may không được như kỳ vọng và Việt Nam là lựa chọn của nhiều DN FDI.
Để có được những kết quả ấn tượng, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng DN, Chính phủ, các bộ, ngành, còn là những đề xuất, kiến nghị của Vitas trong việc bảo vệ quyền lợi của DN. Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas cho biết:
“Năm 2018, Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ những chính sách gây khó khăn cho DN. Nhiều chính sách đã được tiếp thu sửa ngay trong năm như điều kiện về người đứng đầu DN NK máy in để in trên sản phẩm dệt may XK; nộp thuế trên hóa đơn bán hàng thực tế đối với hàng XK lỗi mốt, hàng hỏng, hàng kém chất lượng thay vì trên hóa đơn NK; bỏ quy đinh dán nhãn QR-Code trên từng kiện hàng XK qua cửa khẩu sân bay nội bài…
Một số chính sách khác như đề nghị miễn thuế NK đối với vải nhập về sản xuất, XK đưa đi gia công lại, sản phẩm XK tại chỗ; bỏ quy định khai báo cộng phí lệnh giao hàng (DO), phí vệ sinh container vào trị giá tính thuế hải quan đã được các cơ quan ghi nhận để nghiên cứu giải quyết…”.
Một số giải pháp & kiến nghị
Ông Cao Hữu Hiếu nhận định: “Một trong những rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2019 đó là lãi suất tăng. Một số nước như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất, lãi suất toàn cầu tăng lên tác động đến tỷ giá và dòng vốn đầu tư (từ khu vực lãi suất thấp sang lãi suất cao). Do đó, Việt Nam có thể phải tăng nhẹ lãi suất theo đà tăng của thế giới.
Năm 2019, chi phí đầu vào của ngành dệt may tiếp tục xu hướng tăng như mức lương tối thiểu vùng dự kiến tăng 5,3% so với 2018, kéo theo bảo hiểm xã hội, chi phí nhân công tăng. Chi phí điện cũng được dự báo có khả năng tăng trong năm 2019.
Do đó, các DN dệt may cần đưa ra giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường, DN may làm việc chặt chẽ với khách hàng, cũng như DN sợi vải, liên kết chuỗi để cùng vượt qua khó khăn thách thức mà biến động thị trường gây ra”.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết đang đề ra mục tiêu phát triển ngành trong năm 2019 với kim ngạch XK đạt 40 tỷ USD, tăng trưởng 10.8%; thặng dư TM đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, các DN trong ngành phải chung tay thực hiện những giải pháp về đầu tư, thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, áp dụng KH&CN, giải quyết những khâu yếu, bất cập của ngành.
Hiệp hội cần phải làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa DN hội viên với thị trường trong và ngoài nước, thông qua các hoạt động TTTM, các hoạt động hợp tác quốc tế… Cụ thể là những kiến nghị như sau.
Đối với Chính phủ:
1. Chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho DN.
2. Có chính sách hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các KCN dệt may, hỗ trợ cụ thể đối với các cơ sở đào tạo dệt may như chi phí thuê mặt bằng, xây dựng xưởng thực hành, thiết bị giảng dạy…, hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may.
3. Nhà nước sớm thông qua luật về hội và quy định các DN 100% vốn nước ngoài được tham gia là thành viên chính thức của Hiệp hội để phối hợp hoạt động, hình thành chuỗi liên kết, trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau.
Đối với các bộ, ngành:
1. Đề nghị không ban hành thêm các văn bản làm khó khăn cho DN.
2. Những kiến nghị của Hiệp hội đã được ghi nhận, đề nghị sớm nghiên cứu tháo gỡ cho DN.
3. Đề nghị Bộ Công thương tiếp tục ngừng áp dụng Thông tư 21/2017/TT-BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may từ ngày 1/1/2019, vì sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí cho DN.
Đối với các địa phương:
1. Đề nghị tạo điều kiện thu hút và cấp phép các dự án đầu tư lớn, có trình độ thiết bị công nghệ tiên tiến và quy trình xử lý nước thải đảm bảo thân thiện môi trường vào khâu dệt nhuộm để giải quyết điểm “nghẽn” của ngành và đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA…
2. Không thu hút các dự án cùng sử dụng nhiều lao động để tránh cạnh tranh, tạo ra biến động lao động lớn. Các địa phương liền kề cần phối hợp để địa điểm các khu công nghiệp thu hút nhiều lao động không cùng đặt tại các vùng giáp ranh…
Cao Huyền