Lý do bỏ đề xuất giảm tiền phạt người vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu- Ảnh 1.

 

Phó Cục trưởng C08 Nguyễn Văn Mừng trả lời tại họp báo

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, trong dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe trước đó, Ban soạn thảo đề xuất giảm mức phạt tiền còn từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng (thay vì 6-8 triệu đồng) với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định mới nhất (đang được Bộ Tư pháp thẩm định), Bộ Công an bỏ đề xuất giảm mức phạt tiền đối với vi phạm về nồng độ cồn ở mức tối thiểu.

Cụ thể, Ban soạn thảo đề xuất phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm còn bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe.

Đối với xe mô tô, gắn máy, dự thảo mới nhất cũng đề xuất phạt tiền từ 2-3 triệu đồng (tức giữ nguyên mức đang áp dụng) đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá mức tối thiểu. Ở dự thảo nghị định hồi tháng 8, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng.

Tại dự thảo mới nhất, Bộ Công an cũng đề xuất phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người lái xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá mức tối thiểu. Tại dự thảo trước đó, Bộ Công an đề xuất mức phạt dành cho hành vi này giảm còn từ 0,8-1 triệu đồng.

 Lý giải về nguyên nhân bỏ đề xuất giảm tiền phạt người vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu, lãnh đạo Cục CSGT cho biết, ngay sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân và các nhà khoa học, trong dự thảo mới nhất, Bộ Công an vẫn giữ nguyên mức xử phạt về nồng độ cồn như trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Hương Thủy (Nguồn: )