Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì diễn đàn
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì Diễn đàn

Tháng 10 Hà Nội tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố trên 220.000 tấn

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa với mạng lưới phân phối lớn, thúc đẩy sự phát triển sản xuất nông sản của vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng, miền trên cả nước. Nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản thiết yếu Hà Nội tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30-65% nhu cầu. Trong 10 tháng năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố trên 220.000 tấn.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thông tin, mỗi tháng, nhu cầu tiêu dùng của Hà Nội cần 92.970 tấn gạo (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn); thịt lợn hơi 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn); thịt bò 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 1.032 tấn); thịt gia cầm 6.198 tấn (khả năng tự cung ứng 10.671 tấn).

Bên cạnh đó, người dân Thủ đô có nhu cầu tiêu dùng hơn 5.000 tấn thủy hải sản; 5.165 tấn thực phẩm chế biến (khả năng tự cung ứng 1.000 tấn); 103.300 tấn rau củ (khả năng tự cung ứng 67.299 tấn); 52.000 tấn trái cây (khả năng tự cung ứng 15.000 tấn)…

“Một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, gia cầm, thuỷ cầm, thuỷ hải sản hiện nay giá xuống quá thấp, người dân không mặn mà tái đàn, do đó Sở Công thương Hà Nội dự báo nguồn cung các sản phẩm này sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, bà Lan dự báo.

Hà Nội mong muốn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phối hợp để triển khai kế hoạch phục vụ Tết và triển khai kết nối cung cầu nông sản; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.

Mong muốn đưa nông sản về Hà Nội, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cho hay, địa phương này có 25.000 tấn cam quýt và 2.000 tấn miến dong cần tiêu thụ từ nay cho đến Tết Nguyên đán.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng, tuy tỉnh đã chủ động liên kết thị trường để tiêu thụ nông sản nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Lâm Đồng hiện còn hơn 1 triệu tấn rau củ, 12.000 tấn bơ, 20.000 tấn sầu riêng và 150.000 tấn cà phê cần tiêu thụ. Do đó, ông Hùng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, vận động các đơn vị tiêu thụ, phân phối duy trì tăng sản lượng thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản cho người dân.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, diện tích nuôi tôm nước lợ áp dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh khoảng 51.000 ha, vùng lúa – tôm với diện tích khoảng 10.000 ha, diện tích trồng cây ăn trái 28.000 ha. Vì vậy, ông Nam đề nghị các địa phương và Hà Nội có sự liên kết, hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để tiêu thụ nông sản cho Sóc Trăng.

Ông Hoàng Viết Trọng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa chia sẻ, tỉnh có lượng nông sản, thực phẩm lớn cần tiêu thụ ngoại tỉnh. 

"Đầu năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp danh sách 400 doanh nghiệp gửi Sở Công thương Hà Nội tổng hợp để kết nối các doanh nghiệp trực tiếp trong hoạt động giao thương. Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2021 mới có 45 doanh nghiệp ở Thanh Hóa đưa được nông sản ra thị trường Hà Nội", ông Trọng phản ánh. 

Công tác chỉ đạo rất "nóng" nhưng dưới địa phương lại rất "nguội"

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn Đàn kết nối nông sản 970 cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có trên 300 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại của 26 tỉnh, thành phố gửi thông tin đăng ký xin được kết nối với Diễn đàn để được cung ứng nông sản về Hà Nội. Diễn đàn cũng thu hút hàng chục nhà mua nông sản gồm các hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ, kênh phân phối, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (chủ hệ thống siêu thị Nutri Mart) thì cho hay, đến hết năm 2021, dự kiến công ty sẽ đạt 1.000 siêu thị. Ngoài ra, Nutri Mart còn sở hữu nền tảng bán hàng đa kênh trên 20 sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế tại nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Mỹ, EU. Cuối năm 2021, Nutri Mart sẽ bắt đầu vận hành hệ thống siêu thị đầu tiên tại thị trường Trung Quốc. Đồng thời, Công ty sẽ chào bán sản phẩm Việt Nam trên gian hàng thương mại điện tử Amazon tại Mỹ.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho rằng, hiện nay, trong kết nối, tiêu thụ nông sản, công tác chỉ đạo của các cơ quan ban ngành rất "nóng" nhưng dưới các địa phương lại rất "nguội", qua đó làm chậm khâu vận chuyển, chào bán sản phẩm ra quốc tế.

“Sản phẩm của Việt Nam nhiều nhưng vẫn còn rất yếu về mẫu mã cũng như chất lượng để có thể xuất khẩu. Vì vậy, chúng tôi rất cần những thông tin cụ thể về số lượng hàng hóa tại các địa phương”, bà Hằng kiến nghị.

Đại diện Postmart thuộc Bưu điện Việt Nam cho biết, đơn vị này thường xuyên xuất hiện ở các điểm thu mua nông sản tại các tỉnh Sơn La, Hải Dương, Bắc Giang, Sóc Trăng, Quảng Bình... Hàng nghìn tấn rau quả đã được Bưu điện Việt Nam vận chuyển đi khắp cả nước hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân.

Đặc biệt, sàn thương mại điện tử Postmart.vn, bằng phương pháp mới, hiệu quả, an toàn và thuận tiện cho cả người mua và người bán, thiết thực chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn đã tạo thói quen tiêu dùng hiện đại trong kỷ nguyên công nghệ và bùng nổ thương mại điện tử.  

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định, qua 8 phiên, Diễn đàn 970 đã khẳng định được vị trí trong việc kết nối giao thương nông sản giữa các tỉnh thành trong cả nước. Hơn 30 giao dịch mua bán đã được thực hiện ngay trong Diễn đàn, đã cho thấy sự hiệu quả về kết nối tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, ngay sau Diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và TP. Hà Nội sẽ ký kết đưa ra những thỏa thuận, phối hợp triển khai những mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.

Ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với TP. Hà Nội
Lễ ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với TP. Hà Nội

Ông Trần Thanh Nam yêu cầu các tỉnh phải coi trọng chất lượng nông sản cũng như nắm được thông tin các đầu mối cung ứng, đồng thời yêu cầu các đầu mối này đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để cung ứng cho thị trường Hà Nội.

“Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài việc biểu dương những chuỗi cung ứng đảm bảo được an toàn, chất lượng cũng cần loại bỏ những chuỗi không đảm bảo yêu cầu. Chúng ta tạo điều kiện để kết nối cung cầu nhưng cũng phải kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các chuỗi cung ứng”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Phương Thảo