Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ diễn ra vào ngày 7 và 8/7/2021. Cả nước có hơn 1 triệu học sinh đăng ký dự thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chuẩn bị lực lượng, các điều kiện cần thiết để thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất ở tất cả khâu của kỳ thi; xây dựng phương án dự phòng xử lý tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh, khi có thông tin phản ánh tiêu cực, sai phạm trong công tác tổ chức kỳ thi…
Theo kế hoạch dự kiến, sẽ có hơn 8.000 cán bộ, giảng viên của 200 cơ sở giáo dục đại học được huy động tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay. Để bảo đảm an toàn trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác tập huấn nghiệp vụ thanh tra năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng được đổi mới.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tổ chức tập huấn theo hình thức trực tuyến cho tất cả lực lượng tham gia làm công tác thanh tra, kiểm tra của các sở giáo dục và đào tạo; các cơ sở giáo dục đại học và cán bộ, công chức của Bộ. Các năm trước, công tác tập huấn được thực hiện theo hình thức trực tiếp với số lượng nhất định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả khâu của kỳ thi theo hướng dẫn, bảo đảm công tác tổ chức kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch, an toàn và chất lượng.
Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở GD&ĐT. Trưởng đoàn và thành viên là lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH. Mỗi đoàn có ít nhất 2 cơ sở giáo dục ĐH tham gia. Mỗi điểm thi có 1 tổ kiểm tra, mỗi tổ từ 2 người trở lên tùy theo số phòng thi tại điểm thi theo nguyên tắc như năm 2020. Năm nay, mỗi Sở GD&ĐT thành lập một đoàn kiểm tra. Mỗi đoàn có 3 hoặc 4 người, kiểm tra trực tiếp tại 1 Sở GD&ĐT trong suốt thời gian chấm thi.
Ngoài ra, năm nay có 2 thanh tra chính phủ tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vì 1 người như năm 2020. Trong đó, 1 người tham gia Ban chỉ đạo thi quốc gia và 1 người tham gia Ban thư ký.
Trúc Mai