Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã thông qua mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, cho phép không thí điểm mà thực hiện luôn. Tuy nhiên, khác với TP. HCM đã có nhiều năm thí điểm, Hà Nội chưa có trải nghiệm này, nên việc xây dựng nghị định, quy định chi tiết chức năng nhiệm vụ, mối quan hệ giữa các đơn vị là rất quan trọng.

Vì vậy, buổi làm việc nhằm thảo luận các vấn đề trong triển khai Nghị định; các công việc sau khi nghị định ban hành; các quy định của Đảng trong thực hiện Nghị định, làm rõ những vấn đề còn vướng mắc, có ý kiến khác nhau ở cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay, đảm bảo khi ban hành ra không bị vướng mắc.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị định gồm công chức của UBND phường, cán bộ thuộc tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội ở phường và những người hoạt động không chuyên trách ở phường.

Việc sử dụng, quản lý, chế độ chính sách đối với cán bộ thuộc tổ chức chính trị, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đang thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương; còn đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường thì theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức của UBND phường, gồm các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, Chi huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường, các chức danh công chức: Văn phòng - Thống kê, Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường; Tài chính - Kế toán; Tư pháp - Hộ tịch; Văn hóa - Xã hội.

Để giảm tải khối lượng công việc, nâng cao trách nhiệm của công chức và phục vụ người dân nhanh chóng, dự thảo cho phép Chủ tịch phường được ủy quyền cho công chức giữ chức danh Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản.

Đối với việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, dự thảo quy định biên chế công chức bình quân tại UBND phường là 15 người. UBND thành phố trình HĐND cùng cấp quyết định số lượng biên chế công chức của UBND phường từng quận; quyết định hoặc phân cấp cho UBND quận quyết định cụ thể số lượng công chức của từng UBND phường.

Dự thảo quy định thời hạn bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường theo quy định hiện hành (5 năm). Chủ tịch phường không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở một đơn vị hành chính phường.

Dự thảo còn 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau: Trưởng công an phường có thuộc cơ cấu của UBND phường hay không; nguyên tắc hoạt động và làm việc của UBND phường và Chủ tịch UBND phường, có nên đưa vào quy định “không được chuyển giao các công việc thuộc nhiệm vụ của UBND về các cộng đồng dân cư (tổ dân phố) thực hiện” để tránh hành chính hóa hoạt động của cộng đồng dân cư; nâng số biên chế công chức làm việc tại UBND phường từ 15 lên 16 người.

Bảo Lâm