“Leo thang” tới 30%

Hai tuần trở lại đây, giá thịt lợn đã không ngừng tăng cao, trong đó miền Bắc đang là khu vực chịu giá lợn hơi cao nhất cả nước khiến cả tiểu thương lẫn người tiêu dùng phải đau đầu suy nghĩ. Được biết, chỉ trong 20 ngày đầu tháng 07/2022, giá thịt lợn hơi đã tăng tới gần 30% khiến giá bán lẻ thịt lợn ở chợ, các hệ thống cửa hàng hay siêu thị đều bị ảnh hưởng.

Ghi nhận của Thương hiệu và Công luận ngày 19/7, giá thịt lợn tại chợ Xuân La đang là: Thịt mông sấn có giá 100.000 - 110.000 đồng/kg, thịt ba chỉ có giá 150.000, thịt vai giá là 130.000 đồng/kg, xương sườn là 140.000 - 150.000 đồng/kg... So với khoảng 2 tuần trước, giá thịt ba chỉ là 130.000 đồng/kg, giá thịt nạc vai 80.000 đồng/kg… như vậy giá đã tăng khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn chợ dân sinh tăng 20.000-30.000 đồng/kg so với 10 ngày trước
Giá thịt lợn chợ dân sinh tăng 20.000-30.000 đồng/kg so với 10 ngày trước.

Ở các chợ ngoại thành, giá thịt lợn có vẻ thấp hơn nhưng vẫn chênh hơn khoảng 2 tuần trước từ 150.000-200.000 đồng/kg. Đề cập đến nguyên nhân phía sau tình trạng này, về phía người chăn nuôi, họ cho rằng vì nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng, phía Trung Quốc lại đang đẩy mạnh nhập khẩu lợn của Việt Nam do khan hiếm nguồn cung khi phải chịu tác động của dịch tả lợn Châu Phi. Vậy nên, dù giá xăng dầu có giảm, giá thịt lợn vẫn liên tục bị đẩy lên cao.

Dự báo có thể tiếp tục tăng 

Trước tình trạng giá thịt lợn liên tục tăng cao, chia sẻ với Thương hiệu & Công luận, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: “Giá thịt lợn miền Bắc đang cao nhất cả nước khi thịt lợn hơi đang là 72.000-75.000 đồng/kg nên thịt lợn được mổ bán có giá chênh tới 200.000-300.000 đồng/kg so với 2 tuần trước. Giá thịt lợn tăng cao là do thức ăn chăn nuôi cao, thịt lợn từ Trung Quốc cũng bị tăng giá lên tới 32%”. 

Ông Phú nói thêm: “Giá thịt lợn tăng cao giúp người dân hứng khởi nhưng liệu bà con có thực sự được hưởng lợi hay lại vào túi các lò mổ, các “ông lớn” trung gian như siêu thị. Nên theo tôi, vấn đề phải được quản lý bởi đây là thức ăn thiết yếu, xuất hiện trên mâm cơm 90% người dân Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp lao động chân tay”.

Tuy nhiên, theo ông Phú, muốn giải quyết được bài toán này thì giá thủy sản, gia cầm,... phải ở mức cân bằng, không chênh lệch quá lớn. “Nếu như tăng đột biến như cách đây 2-3 năm thì các ông lớn trung gian, các siêu thị lớn lại là người hưởng lợi, bà con nông dân cũng chẳng được hưởng điều này. Cần phải quán triệt giá tiền một cách cụ thể để bà con nông dân được hưởng thành quả, còn không thì mọi sự tăng giá là vô nghĩa”, ông Phú nói.

Trước diễn biến giá xăng dầu giảm, liệu giá thịt lợn có giảm hay không, ông Phú cho rằng:  “Tôi cho rằng, giá xăng giảm nhưng giá lợn vẫn sẽ giữ nguyên tình trạng như hiện nay, thậm chí có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm, bởi nhu cầu sử dụng của người dân tại thời điểm này rất lớn. Nếu để thịt lợn hơi chạm mức 85.000-90.000 đồng/kg thì đáng báo động, gây ra “rào cản lớn” cho người tiêu dùng và các tiểu thương”. 

Trước đó, TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng có nhận định về vấn đề này. “Ở Việt Nam, giá lương thực bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do giá thịt lợn giảm 20,1% trong giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên hiện nay chúng ta thấy giá thịt lợn đang tăng trở lại, cụ thể tháng 6/2022 đã tăng 0,87% so với tháng trước, và đến tháng 7 này tiếp tục tăng mạnh, hiện nay đã lên tới hơn 70.000 đồng/kg lợn hơi, cao nhất là đến nay là 74.000 đồng/kg lợn hơi, trong khi đó lúc chúng tôi thực hiện làm báo cáo vào tháng 6 dao động trong khoảng 52.000-58.000 đồng/kg”, ông Lâm bày tỏ.

“Nguyên nhân do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng và chi phí vận chuyển tăng, do đó làm cho giá thịt lợn tăng cao. Hiện mặt hàng thịt lợn chiếm tỷ trọng 3,9% nên có tác động khá lớn tới lạm phát hiện nay của Việt Nam”, ông Lâm nói thêm.

Siêu thị bình ổn giá

Dù giá xăng đã giảm nhưng trên thực tế, các mặt hàng thiết yếu ở chợ truyền thống trên địa bàn vẫn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tại các siêu thị lớn, giá các mặt hàng thịt lợn vẫn được giữ nguyên, để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Theo đó, một số doanh nghiệp, nhà phân phối đã quyết định ký các văn bản bình ổn giá của tỉnh thành để gồng gánh, san sẻ với người tiêu dùng. 

Là đơn vị hàng đầu trong việc sản xuất và phân phối thịt lợn trên cả nước, đại diện MEATLife cho biết: “Suốt thời gian qua, Masan MEATLife xây dựng cơ chế giá thịt lợn MEATDeli đảm bảo phù hợp với thị trường. Trước tình hình giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tuân theo cơ chế thị trường, Công ty bắt buộc tiến hành một số đợt điều chỉnh tăng giá với một số sản phẩm. Tuy nhiên, một số sản phẩm cũng được chúng tôi căng cường khuyến mại nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng. Điển hình như sản phẩm thịt nạc vai MEATDeli, thịt heo xay MEATDeli,…đang có giá bán rất tốt”. 

Giá thịt lợn
Giá thịt lợn MEATDeli đảm bảo phù hợp với thị trường.

“Giá xăng dầu nhiều lần giảm mạnh sẽ tác động lên toàn bộ chuỗi cung ứng và khiến giá hàng hóa hạ nhiệt. Tuy nhiên, cần có độ trễ nhất định, tức là cần một khoảng thời gian để các ngành nghề, lĩnh vực tính toán lại chi phí để áp dụng lên giá cả đầu ra của sản phẩm, hàng hóa. Chúng tôi cũng hy vọng, giá thịt heo sẽ ổn định trong thời gian tới vì việc tăng giá hàng hóa là bất đắc dĩ đối với cả các tiểu thương và doanh nghiệp. Masan MEATLife đã có kế hoạch phát triển nguồn nguyên liệu ổn định lâu dài, chủ động nguồn cung, quản lý được chi phí sản xuất hiệu quả nhằm đảm bảo giá thịt MEATDeli ở mức hợp lý”, đại diện MEATLife chia sẻ.

Tương tự, “ông lớn” Dabaco cũng quyết tâm bình ổn giá thịt hỗ trợ bà con, cũng như tăng sức cạnh tranh. Trao đổi với Thương hiệu & Công luận, đại diện của Dabaco cho biết, doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực giữ giá tốt cho khách hàng. Dù trên thị trường, thịt lợn bị tăng giá lên tới 30% so với 2 tuần trước nhưng tại các siêu thị của Dabaco ở Bắc Ninh vẫn đang được bình ổn do hợp đồng ký kết từ trước.

“Giá thịt lợn tại các hệ thống Bắc Ninh được ký quyết định bình ổn giá, nên không bị ảnh hưởng gì. So với thị trường, giá thịt lợn tại Dabaco rẻ hơn 5% bởi thịt lợn được tự chăn nuôi và bán ra thị trường”, đại diện của Dabaco chia sẻ.

doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực giữ giá tốt cho khách hàng
Siêu thị Dabaco vẫn đang nỗ lực giữ giá thịt lợn tốt cho khách hàng.

Dù vậy, các doanh nghiệp, các nhà phân phối vẫn mong Chính phủ sẽ có những chính sách điều hành giá, đồng thời giảm thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường,... để giúp doanh nghiệp có thể giữ vững giá cả xuyên suốt, đồng hành và hỗ trợ người tiêu dùng giữa bão giá thị trường đầy khó khăn như hiện nay.

Để giá thịt lợn không bị leo thang, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đề xuất việc chăn nuôi và sản xuất phải được hoạt động thành chuỗi, mọi bước phải được bổ trợ và vận hành một cách hài hòa mới có thể bình ổn giá thịt lợn. “Nếu giá thịt lợn tiếp tục bị đẩy cao thì buộc phải có giá trần, bởi đây là mặt hàng tăng giá đột biến. Việc giá thịt lợn lên cao khiến đời sống nhân dân gặp khó khăn. Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính phải ra văn bản cụ thể và Quản lý thị trường phải làm việc kiểm tra ráo riết. Người nông dân thì phải kiểm soát thức ăn chăn nuôi khi hàng thật hàng giả lẫn lộn, trôi nổi trên thị trường. Và đặc biệt, thời tiết sẽ bị thay đổi, đồng nghĩa với gia súc dễ nhiễm bệnh, buộc lòng phải tiêm vắc xin”, ông Phú cho hay.

Từ 15h ngày 21/7, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm 2.710 đồng, RON 95 giảm 3.600 đồng. Đến sáng nay, 22/7, giá lợn hơi cũng quay đầu giảm nhẹ, phổ biến ở mức giá 63.000 – 70.000 đồng/kg tại các tỉnh, thành.

Tuy nhiên, chia sẻ với Thương hiệu và Công luận, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định, giá xăng có thể giảm nhưng giá thịt lợn vẫn sẽ giữ nguyên, hoặc ít nhất trong 1-2 tháng mới hạ dần. Dù vậy, đến cuối năm sẽ có dấu hiệu leo thang trở lại, giá thịt lợn sẽ chênh tới 300.000 đồng/kg vì nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng đối với loại thực phẩm này rất lớn. 

 Hồng Nhung