THCLTheo nhận định của các chuyên gia trong ngành, năm 2017, ngành thủy sản Việt Nam sẽ đối mặt với 6 thách thức chính.
Ảnh minh họa
1. Trước tiên là hạn hán và xâm nhập mặn: Tình hình hạn hán, thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong 2016 được dự báo sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thủy sản, nhất là các loài nuôi nước ngọt, trong 2017 – tác động không nhỏ đến diện tích và sản lượng nguyên liệu thủy sản nói chung.
2. Thách thức về rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường NK
Với việc tự do hóa thương mại, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi về thuế quan, nhưng sẽ là đối tượng để các thị trường áp dụng các rào cản phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành SX nội địa hoặc hạn chế NK. Những rào cản như thuế CBPG, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh, bảo vệ nguồn lợi IUU hay chương trình thanh tra riêng biệt (ví dụ Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ…) đang và sẽ được tăng cường áp dụng.
Thuế chống bán phá giá và hương trình thanh tra cá da trơn: Thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn vẫn là rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật lớn cho cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ. Với mức thuế CBPG quá cao, hiện nay, số lượng DN XK cá tra đi Mỹ chỉ còn 2-3 DN lớn bám trụ được thị trường này....
3. Giá thành sản xuất nguyên liệu của Việt Nam còn cao: Ngành nuôi tôm và một số sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam đã được nhìn nhận và so sánh với các ngành tương tự tại Ấn Độ, Thái Lan cho thấy giá thành sản xuất của VN đang cao hơn từ 10-30%. Có nhiều yếu tố tác động tạo ra giá thành sản phẩm cao (từ giống, thức ăn, các vật tư đầu vào, tổn thất sau thu hoạch, điện-nước, các chi phí hành chính...).
Đây cũng là yếu tố quan trọng tác động lên hệ số cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trong năm 2017 àm DN đặc biệt quan tâm.
4. Thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu: Với uy tín nguồn cung có chất lượng cho thị trường thế giới và năng lực/công nghệ cao cho chế biến thủy sản, Việt Nam là điểm đến của nhiều nhà nhập khẩu thủy sản trên thế giới. Tình hình thiếu nguyên liệu cho CBXK ở một số nhóm hàng hoặc tại một số thời điểm trong năm ngày càng rõ rệt.
Nhiều DN đã duy trì việc nhập khẩu các nguồn nguyên liệu (tôm, cá ngừ, mực-bạch tuộc, một số loài cá biển...) để tạo ra sự ổn định và năng lực cạnh tranh trong thời gian qua. Việc thiếu nguyên liệu thủy sản trong nước phục vụ nhu cầu XK sẽ tiếp tục là một vấn đề nhiều DN thủy sản quan ngại trong năm 2017.
5. Chịu cạnh tranh mạnh mẽ: Tham gia vào các FTA đồng nghĩa với việc mở cửa và hội nhập hơn nữa vào nhiều thị trường. Tuy nhiên, ngành và nhiều DN Việt Nam chưa tận dụng được tốt nhất các ưu đãi/cơ hội của FTA. Mặc dù, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết và chương trình hành động tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo cơ hội và điều kiện tối đa cho DN nhưng việc tái cơ cấu, cải cách các quy định và thủ tục hành chính để đáp ứng các yêu cầu của hội nhập vẫn tiến triển chưa nhanh.
Trong khi đó, các nước đối thủ cạnh canh về thủy sản (Trung Quốc, Ấn độ, Thái Lan, Indonesia...) ngày càng gia tăng các sức ép cạnh tranh nhiều hơn qua những chương trình dài hạn, trung hạn và ngắn hạn trên cả quy mô về sản lượng, chất lượng, giá thành sản xuất, marketing và xúc tiến thương mại. Sự cạnh tranh này là tất yếu để thúc đẩy cho phát triển, nhưng cũng đang và sẽ khiến DN thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn để giữ và gia tăng thị phần.
6. Còn các bất cập tại một số quy định và thủ tục hành chính, chưa thực sự hỗ trợ cho cải thiện năng lực cạnh tranh của DN. Dù Chính phủ đã liên tục 3 năm có Nghị quyết 19 và nhiều chỉ đạo tích cực, nhưng quá trình sửa đổi các văn bản pháp quy đã đc nhận diện vẫn diễn ra chậm (chưa được 30% trong 2016) trong khi lại phát sinh các nội dung bất cập mới.
T. Nguyên (T/h)