Từ đầu tháng 9/2024 tới nay, tỉnh Thanh Hóa đã phải chịu ảnh hưởng liên tiếp của 2 cơn bão (cơn bão số 3 và số 4). Mưa lớn kết hợp với lũ từ các sông đã gây ngập lụt các vùng trũng thấp, khu vực ven sông, bãi sông và sạt lở tại nhiều vị trí.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa tính đến 10 giờ ngày 25/9/2024, mưa lũ đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh. Về sơ tán dân, đến 12 giờ ngày 23/9/2024, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã chủ động sơ tán 3.624 hộ/13.788 khẩu.
Mưa lũ đã làm sạt lở taluy dương, sạt lở đá lăn, sa bồi mặt đường, rãnh dọc trên các tuyến quốc lộ tại 342 vị trí, với khối lượng khoảng 158.228 m3 và sạt lở taluy âm tại 18 vị trí với chiều dài 672m trên các tuyến quốc lộ 15, 15C, 16, 47, 217, 217B; có 10 vị trí ngập, sạt lở gây tắc đường tại các tuyến quốc lộ 15, 15C, 16, 217B.
Sạt lở taluy dương, sạt lở đá lăn, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc trên các tuyến tỉnh lộ tại 139 vị trí với khối lượng 12.927 m3 và sạt lở taluy âm tại 06 vị trí, chiều dài sạt lở 121 m trên các tuyến tỉnh lộ: 516, 519, 519B, 520B, 521, 521B, 521E, 522, 523, 523E, 530, 530B, 530C, đường Pù Nhi - Mường Chanh, đường Tuần tra biên giới; có 09 vị trí bị ngập, sạt lở gây tắc đường trên các tuyến tỉnh lộ: 516, 519B, 520B, 521, 522, 523, 523E.
Đối với các tuyến đường xã, thôn đã bị sạt lở, hư hỏng tại 146 vị trí với khối lượng sạt lở taluy dương khoảng 13.586 m3, chiều dài sạt lở khoảng 1.725 m; 08 cầu tràn bị hư hỏng (huyện Mường Lát 3 cầu, huyện Thường Xuân 4 cầu, huyện Quan Hóa 1 cầu); 2 cầu bị hư hỏng (gồm: Cầu Sơn Thuỷ, huyện Quan Sơn; cầu Hỉn Đòng, huyện Thường Xuân); 5 điểm ngầm tràn bị ngập gây tắc đường (huyện Lang Chánh 3 điểm, huyện Quan Sơn 1 điểm, huyện Ngọc Lặc 1 điểm).
Về nhà ở, trường học, có 191 nhà ở bị thiệt hại (tại các huyện: Quan Hoá 94 nhà, Quan Sơn 48 nhà, Mường Lát 24 nhà, Thường Xuân 19 nhà, Lang Chánh 05 nhà, Cẩm Thuỷ 01 nhà); có 11 nhà di dời khẩn cấp (tại huyện Quan Hoá 02 nhà và huyện Mường Lát 09 nhà). Có 13 điểm trường bị ảnh hưởng (huyện Mường Lát 03 điểm trường; các huyện: Quan Sơn, Quan Hoá, Lang Chánh mỗi nơi 02 điểm trường; các huyện: Bá Thước, Thiệu Hoá, Như Xuân, Thạch Thành mỗi nơi 01 điểm trường).
Về nông nghiệp, thủy lợi có 695,93 ha lúa bị ngập, thiệt hại; 1.912,82 ha hoa màu, rau màu bị ngập, thiệt hại; 21,57 ha cây trồng lâu năm bị ngập, thiệt hại; 1.263,65 ha cây trồng hàng năm bị ngập, thiệt hại; 65,98 ha cây ăn quả tập trung bị thiệt hại. Có 10 con lợn, 11 con hươu, 1.446 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 525 m3 lồng bè nuôi trồng thủy sản thiệt hại hoàn toàn và 757,96 ha nuôi cá truyền thống bị thiệt hại. Có 140 m kênh mương bị sạt trôi, hư hỏng (tại huyện Mường Lát 130 m, huyện Thiệu Hóa 10 m); 05 m kè sông Luồng tại bản Bo Hiềng, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn bị xói mòn vào chân bờ kè; 01 đập dâng bị hư hỏng (đập tràn suối Quýt, xã Trung Thành, huyện Quan Hoá); có 2.340 m đê bị sạt, nứt (đê cấp IV trở xuống); 770 m bờ sông, suối, bãi sông bị sạt lở, hư hỏng, thiệt hại.
Ngoài ra, có 27 cột điện trung, cao thế và 259 cột điện hạ thế bị đổ, gãy; 02 nhà xưởng bị hư hỏng tại huyện Quan Sơn, 01 nhà công vụ bị ảnh hưởng do sạt taluy âm tại Trạm bảo tồn thôn Phống, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân...
Để nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống của Nhân dân, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa lũ; tập trung xử lý sự cố, khắc phục ngay các công trình đê điều, giao thông, trường học bị hư hỏng, sửa chữa, khắc phục nhà ở, các công trình hạ tầng dân sinh, vệ sinh môi trường; triển khai vận hành các trạm bơm, cống tiêu và hệ thống công trình thuỷ lợi để tiêu úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp; chủ động dùng nguồn lực của địa phương để hỗ trợ ngay cho người dân khôi phục sản xuất; huy động các nguồn lực và tổ chức các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa, lũ gây ra...
Có mặt tại huyện Lang Chánh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đến thăm thầy trò trường Trung học Cơ sở Lâm Phú, xã Lâm Phú - ngôi trường bị sạt lở, sụt móng do mưa lũ khi đang xây dựng. Hiện thầy trò phải di chuyển về học tạm tại trường Tiểu học Lâm Phú (cách đó 7km).
Liên quan đến sự cố sạt lở (cách đây khoảng 1 tuần) tại điểm trường THCS Lâm Phú đang trong quá trình xây dựng, lãnh đạo UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định cho công bố tình huống khẩn cấp tại điểm sạt lở này; đồng thời tạm dừng hoạt động tại trường, khẩn trương di chuyển hơn 300 học sinh đến nơi học mới đảm bảo an toàn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng kiểm tra kết quả xử lý sự cố đứt gãy cống Nổ ở thôn đê tả sông Mã, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc trong đợt mưa lũ vừa qua, Phó Thủ tướng biểu dương các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ... và người dân đã phát hiện từ rất sớm, hộ đê kịp thời, không để ảnh hưởng đến hơn 40.000 người dân.
Tại đây, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương khẩn trương đánh giá toàn bộ khả năng chống chịu của tuyến đê dọc sông Mã.
Trưa cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm và tặng quà cho các hộ dân vùng ngập lụt tại thôn Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành. Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo huyện phải có phương án bố trí khu tái định cư hoặc xây dựng nhà ở theo hướng chống chịu, sống chung với lũ.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của tỉnh Thanh Hoá trong phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ do hoàn lưu bão số 3, số 4 gây ra.
"Những vấn đề vượt quá khả năng của địa phương, Trung ương sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ những việc cần làm ngay, sớm ổn định cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường, nhất là những công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như giao thông, giáo dục, y tế...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Khánh An (t/h)