Các doanh nghiệp (DN) có bộ máy tài chính - kế toán riêng và có thể tự mình thực hiện hoạt động kê khai, tính thuế vẫn xuất hiện nhu cầu tư vấn thuế đối với những vấn đề chuyên môn rất sâu, phức tạp, đòi hỏi phải am hiểu sâu rộng pháp luật thuế (chẳng hạn như những nghĩa vụ thuế trong quan hệ đầu tư ra nước ngoài, các vấn đề về áp dụng hiệp định thuế, xác định kế hoạch thuế khi lập dự án đầu tư và chiến lược kinh doanh…).

Cũng giống như các hoạt động kinh doanh khác, khi xuất hiện nhu cầu dịch vụ trên thị trường và xuất hiện nhiều nhà cung cấp dịch vụ thì tất yếu xuất hiện sự cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ. Cạnh tranh thúc đẩy các DN cung cấp dịch vụ phải nâng cao chất lượng dịch vụ với giá cả phù hợp với thị trường.

Tuy nhiên, mặt trái của cạnh tranh cũng xuất hiện, đó là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, kể cả các thủ đoạn cạnh tranh vi phạm pháp luật (chẳng hạn như tư vấn cho khách hàng kê khai thiếu thuế hoặc trốn thuế…). Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện khả năng cạnh tranh bằng chi phí thấp, nhưng chất lượng dịch vụ không đảm bảo, không kê khai thuế đúng luật gây thiệt hại cho khách hàng. Thực trạng này cho thấy, cần thúc đẩy phát triển lành mạnh dịch vụ thuế để đảm bảo sự tuân thủ thuế, môi trường đầu tư và kinh doanh lành mạnh.

Mặc dù, ở Việt Nam một số dịch vụ thuế đã được các công ty kiểm toán, công ty tư vấn tài chính, công ty dịch vụ kế toán cung cấp từ khá sớm, song cho đến trước khi Luật Quản lý thuế số 78/2006/ QH11 có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/07/2007) thì chưa có quy định pháp lý quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế (dịch vụ đại lý thuế). Do chưa có cơ sở pháp lý cung cấp dịch vụ làm thủ tục về thuế, nên dịch vụ thuế được cung cấp trong thời kỳ này tập trung vào nhóm dịch vụ tư vấn thuế như: Tư vấn lập kế hoạch thuế, tư vấn lựa chọn phương án kinh doanh phù hợp với pháp luật thuế, tư vấn giải quyết tranh chấp về thuế giữa DN với cơ quan thuế…

Ảnh minh họa internet
Dịch vụ thuế cần được phát triển lành mạnh, có yếu tố cạnh tranh và minh bạch. Ảnh minh họa internet.

Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế là DN kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Theo đó, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế phải có ngành, nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có ít nhất hai nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục thuế.

Trên cơ sở Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 28/2008/ TT-BTC ngày 03/04/2008 hướng dẫn việc đăng ký hành nghề và quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Theo đó, Thông tư hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Sau một thời gian thực hiện, Thông tư số 28/2008/TT-BTC đã phát sinh một số bất cập. Để khắc phục những bất cập này, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 117/2012/TT-BTC ngày 19/07/2012 thay thế Thông tư số 28/2008/TT-BTC với một số nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn, đảm bảo công tác quản lý hành nghề được chặt chẽ hiệu quả hơn.

Tiếp đó, đến ngày 19/05/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 51/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 117/2012/TT-BTC. Theo đó, Thông tư số 51/2017/TT-BTC đại lý thuế là DN, chi nhánh của DN đáp ứng đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Mặc dù, các quy định về quản lý dịch vụ hành nghề làm thủ tục về thuế đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào các năm 2012 và 2017, song trên thực tế vẫn phát sinh những vướng mắc trong quản lý hành nghề và quá trình phát triển dịch vụ làm thủ tục về thuế của các DN, vì những vấn đề này được quy định trong Luật Quản lý thuế. Đó là các vấn đề về loại dịch vụ mà đại lý thuế được thực hiện, về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế…

Những vướng mắc trên, về cơ bản đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) số 38/2019/ QH14 và được cụ thể hóa tại Thông tư số 10/2021/ TT-BTC ngày 26/01/2021 hướng dẫn việc quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Theo đó, Thông tư nêu rõ đại lý thuế được bổ sung thêm 02 loại hình dịch vụ gồm dịch vụ tư vấn thuế và dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ. Riêng trường hợp cung cấp dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ thì yêu cầu đại lý thuế phải có ít nhất một nhân viên có chứng chỉ hành nghề kế toán. Theo quy định mới này, phạm vi cung cấp dịch vụ của đại lý thuế được mở rộng hơn, cho phép kết hợp cung cấp dịch vụ kế toán với dịch vụ làm thủ tục về thuế cho DN siêu nhỏ.

Hiện nay, ở Việt Nam các dịch vụ thuế được cung cấp chủ yếu bởi các nhóm đối tượng sau: (i) Các công ty kiểm toán; (ii) Các DN dịch vụ kế toán; (iii) Các DN dịch vụ thuế. Các DN kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế như trên, kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý hành nghề trực tiếp bởi Tổng cục Thuế (được gọi là các đại lý thuế). Các DN cung cấp dịch vụ tư vấn thuế nhưng không thực hiện dịch vụ làm thủ tục về thuế thì không phải là các đại lý thuế.

Như vậy, có thể thấy, dịch vụ thuế ở Việt Nam hiện nay được cung cấp bởi hai nhóm đối tượng là: (1) Các đại lý thuế - thực hiện cung cấp dịch vụ làm thủ tục về thuế, dịch vụ tư vấn thuế và dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ; (2) Các DN khác có kinh doanh dịch vụ tư vấn thuế, không bị ràng buộc bởi điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (đối tượng cung cấp dịch vụ này có thể là các công ty kiểm toán, các công ty luật, công ty tư vấn tài chính).

Riêng về tình hình phát triển của các đại lý thuế, đối tượng chủ yếu cung cấp dịch vụ thuế, kể từ khi xuất hiện năm 2008 đến nay, số lượng các đại lý thuế tăng chậm. Trung bình mỗi năm có thêm khoảng 50 đại lý thuế mới. Theo Tổng cục Thuế, số lượng đại lý thuế tính đến tháng 01/2022 là 817. So sánh với số lượng đăng ký mới DN hàng năm (khoảng từ 30.000 - 40.000 DN đăng ký mới hàng năm) thì mức độ tăng trưởng đại lý thuế là rất thấp. Đặc biệt, đặt trong tương quan nhu cầu dịch vụ làm thủ tục về thuế nói riêng và dịch vụ thuế nói chung của các DN trong nền kinh tế thì số lượng đại lý thuế còn rất ít. Hiện nay, cả nước có khoảng 700.000 DN đang hoạt động, với 98% là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (trong đó, khoảng 90% là DN nhỏ và siêu nhỏ). Các DN nhỏ và siêu nhỏ là DN rất cần sử dụng dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Dịch vụ thuế cần được phát triển lành mạnh, có yếu tố cạnh tranh và minh bạch. Ảnh minh họa internet
Dịch vụ thuế cần được phát triển lành mạnh, có yếu tố cạnh tranh và minh bạch. Ảnh minh họa internet.

Đối với dịch vụ tư vấn thuế do các công ty kiểm toán, công ty luật, công ty tư vấn tài chính cung cấp thì thường được gắn với các hợp đồng dịch vụ kiểm toán hoặc tư vấn pháp lý nên không có số liệu thống kê cụ thể về số lượng DN cung cấp và quy mô các giao dịch này. Tuy nhiên, xét về nhu cầu thị trường và thực tiễn hoạt động của các DN có thể thấy, dịch vụ này được cung cấp khá rộng rãi trong những năm gần đây.

Đặc biệt, cùng với chủ trương mở rộng sử dụng hóa đơn điện tử thì việc cung cấp các dịch vụ về công nghệ thông tin gắn với hóa đơn điện tử cũng gắn với hoạt động cung cấp dịch vụ thuế. Dịch vụ hóa đơn điện tử là loại dịch vụ lưỡng tính, vừa có tính chất dịch vụ công nghệ thông tin, vừa có tính chất dịch vụ thuế.

Các DN cung cấp giải pháp phần mềm công nghệ thông tin để lập hóa đơn, truyền tải, sử dụng, lưu trữ… hóa đơn điện tử; đồng thời, việc quản lý sử dụng hóa đơn điện tử cũng gắn chặt với việc kê khai, tính thuế của đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử.

Với yêu cầu hiện đại hóa hoạt động kê khai, tính thuế của các DN hiện nay, quá trình lập và truyền nhận hóa đơn điện tử gắn chặt với quá trình hạch toán kế toán, lập bảng kê điện tử để xác định doanh thu tính thuế, lập bảng kê điện tử xác định doanh thu và thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào…

Điều này cho thấy, từ ngày 01/07/2022, khi quy định về hóa đơn điện tử theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành thì số lượng DN sử dụng hóa đơn điện tử sẽ tăng lên. Sự gia tăng hóa đơn điện tử sẽ là "cú hích" quan trọng gắn kết dịch vụ thuế với dịch vụ công nghệ thông tin và thúc đẩy phát triển dịch vụ thuế điện tử của các đại lý thuế.

Tuy sự phát triển chưa tương xứng với nhu cầu của nền kinh tế, song các đại lý thuế nói riêng và các DN kinh doanh dịch vụ thuế nói chung đã đáp ứng nhu cầu dịch vụ thuế các DN trong nền kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế và thúc đẩy tính tuân thủ thuế của người nộp thuế.

C.H (t/h)