Dữ liệu quan trọng hôm nay là doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3, chưa được điều chỉnh theo lạm phát, đã tăng 0,7% so với tháng 2. Không bao gồm ô tô và xăng, doanh số bán lẻ tăng 1%. Dữ liệu cho thấy tiêu dùng vẫn mạnh mẽ bất chấp áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, điều này lại khiến suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên trên mốc 4,6% trong phiên, chạm mức đỉnh kể từ giữa tháng 11/2023 và khiến các cổ phiếu tăng trưởng chịu sức ép.
Thêm vào đó, tình hình địa chính trị tại Trung Đông cũng khiến nhà đầu tư chọn cách bán ra để phòng thủ.
"Tất cả các vấn đề địa chính trị sẽ gây ra căng thẳng và lo lắng trên thị trường, nhà đầu tư nên nhận ra rằng lãi suất sẽ không sớm hạ nhiệt", Ken Polcari, đối tác quản lý tại Kace Capital Advisors ở Boca Raton, Florida cho biết.
Phiên này, Dow Jones bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đà giảm hơn 7% của cổ phiếu Salesforce, do có báo cáo cho rằng công ty phần mềm này đang đàm phán để mua lại công ty quản lý dữ liệu Informatica.
Trong khi đó, S&P 500 đã giảm 2,64% trong hai phiên vừa qua, mức giảm 2 ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 3/2023. Chỉ số này cũng đóng cửa dưới đường trung bình động 50 ngày lần đầu tiên kể từ ngày 2/11.
Đáng chú ý là cổ phiếu Apple giảm 2,19% là một trong những lực cản lớn nhất đối với S&P 500 sau khi dữ liệu từ công ty nghiên cứu IDC cho thấy các lô hàng điện thoại thông minh của công ty đã giảm khoảng 10% trong quý I/2024.
Kết thúc phiên 15/4: Chỉ số Dow Jones giảm 248,13 điểm (-0,65%), xuống 37.735,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 61,59 điểm (-1,20%), xuống 5.061,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 290,08 điểm (-1,79%), xuống 15.885,02 điểm.
Chứng khoán châu Âu hạ độ cao và đóng cửa tăng nhẹ, khi cổ phiếu năng lượng giảm do giá dầu yếu đã được bù đắp bởi đà đi lên của cổ phiếu công nghiệp, trong khi các nhà đầu tư vẫn tiếp tục cảnh giác với xung đột ở Trung Đông.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,13% lên 505,93 điểm, với ngành công nghiệp và ô tô tăng lần lượt 0,8% và 0,7% sau khi viện kinh tế Ifo cho biết các nhà sản xuất Đức không còn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tình trạng thiếu nguyên liệu và tình hình nguồn cung gần như trở lại như trước đại dịch COVID-19.
Các nhà đầu tư hiện cũng đang theo dõi bất kỳ diễn biến nào mới ở Trung Đông, sau khi Iran phát động một cuộc tấn công trả đũa vào Israel vào cuối tuần qua.
Tuy nhiên, giá dầu giảm hơn 1% khi thị trường hạ thấp nguy cơ xung đột sẽ lan rộng hơn tại Trung Đông, khiến cổ phiếu năng lượng giảm 1,5%.
Cung cấp một số hỗ trợ cho thị trường, nhà hoạch định chính sách Gediminas Simkus cho biết Ngân hàng trung ương ECB có thể thực hiện hơn ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, trong khi các quan chức khác bao gồm Olli Rehn, Peter Kazimir và Francois Villeroy de Galhau thừa nhận tiến bộ của ngân hàng trung ương trong việc kiềm chế lạm phát.
Trong số các cổ phiếu nổi bật, Temenos tăng 19,5% sau khi một ủy ban đặc biệt do công ty phần mềm tài chính chỉ định cho biết các cáo buộc gần đây của Hindenburg Research là "không chính xác và gây hiểu lầm".
Kết thúc phiên 15/4: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 30,05 điểm (-0,35%), xuống 7.965,53 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 96,26 điểm (+0,54%), lên 18.026,58 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 34,28 điểm (+0,43%), lên 8.045,11 điểm.
Giá dầu thô hạ nhiệt nhẹ, khi thiệt hại từ cuộc không kích của Iran vào Israel hồi cuối tuần trước thấp hơn dự đoán, làm giảm bớt lo ngại về một cuộc xung đột gia tăng nhanh chóng ở Trung Đông.
Kết thúc phiên 15/4, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,25 USD (-0,30%), xuống 85,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,35 USD (-0,40%), xuống 90,10 USD/thùng.
Hà Trần (t/h)