Những ý nghĩa riêng

Theo ông Dương Tử Giang, Văn phòng Luật sư Phạm & Liên danh, trước khi có Bộ luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) thì các yêu cầu bảo hộ (YCBH) dạng sử dụng vẫn được chấp nhận ở nước ta. Các YCBH dạng sử dụng có ý nghĩa riêng.

Thứ nhất, để mang lại sự bảo hộ đầy đủ cho sáng chế, không những cho chất, thiết bị, phương pháp theo sáng chế, mà cả cho công dụng của chúng. Điều này, đặc biệt ý nghĩa như là một tầng bảo vệ thứ hai nếu trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ sau này, điểm YCBH đối với chất, thiết bị, phương pháp bị hủy hiệu lực thì ít nhất cũng vẫn còn điểm YCBH đối với công dụng của chúng, vốn cũng là một giải pháp kỹ thuật và do đó cần được bảo hộ theo luật sáng chế.

Thứ hai, do nước ta cũng áp dụng nguyên tắc bảo hộ tuyệt đối nên trong các đơn sáng chế liên quan đến các chất hóa học mới được tạo ra, người ta chỉ cần nêu công thức của chất xin được bảo hộ, mà không cần nêu ra công dụng của chất này. Trong trường hợp đó, rõ ràng là bộ YCBH cần có các điểm liên quan đến công dụng của chất mới được sáng chế bên cạnh các điểm về công thức của chất này, bởi vì nếu không thì khó lòng mà có thể nói sáng chế được bảo hộ nhằm mục đích gì, có ích lợi gì cho xã hội.

Việc có chấp nhận các sáng chế dạng sử dụng hay không về thực chất là vấn đề chính sách. Nguyên nhân chính dẫn đến việc chúng ta từ chối bảo hộ các sáng chế dạng sử dụng là do lo ngại việc kéo dài thời hạn bảo hộ một cách bất hợp lý các sáng chế trong lĩnh vực dược dẫn đến giá thuốc chữa bệnh tăng cao, làm giảm khả năng tiếp cận của nhân dân. Nếu xét theo khía cạnh này thì việc từ chối bảo hộ cả các sáng chế trong các lĩnh vực kỹ thuật khác ngoài lĩnh vực dược là không hợp lý. Hơn nữa, việc cho rằng chế độ bảo hộ các sáng chế dạng sử dụng có thể làm cho giá thuốc tăng cao cũng chưa được củng cố bởi các căn cứ vững chắc. Vì cho đến nay, chưa hề có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chỉ ra mối quan hệ nhân quả giữa việc bảo hộ các sáng chế dạng sử dụng và giá thuốc.

Mấu chốt của việc bảo đảm khả năng tiếp cận thuốc của quảng đại quần chúng là phải bảo đảm việc cung cấp đủ thuốc, với mức giá hợp lý, đặc biệt là các loại thuốc mới. Phần lớn các loại thuốc mới trong số này, dựa trên những hợp chất mới được tạo ra và được cấp patent (giấy chứng nhận về sáng chế được pháp luật công nhận và cấp cho chủ sở hữu sáng chế). Thế nhưng, thay vì tìm cách hạn chế quyền patent đối với những hợp chất mới được tạo ra như vậy, chúng ta lại dành cho các sáng chế này chế độ “bảo hộ tuyệt đối” - nghĩa là bảo hộ cho bất kỳ công dụng nào, trong khi chẳng có điều ước quốc tế nào buộc chúng ta phải chấp nhận điều này. Trong khi đó, số thuốc đã biết được dùng cho chức năng mới để điều trị bệnh mới là không nhiều, cho nên việc từ chối bảo hộ sáng chế dạng sử dụng không có nhiều ý nghĩa trong việc góp phần làm giảm giá thuốc.

Những người ủng hộ quyết định từ chối bảo hộ các sáng chế dạng “sử dụng” thường viện dẫn đến Tuyên bố Doha, thế nhưng Tuyên bố Doha không hề đề cập cụ thể đến việc loại trừ các sáng chế dạng sử dụng. Thay vào đó, hoàn toàn có thể sử dụng cơ chế “li xăng cưỡng bức” để giải quyết vấn đề bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lợi thế của “li xăng cưỡng bức” là có thể áp dụng cho cả các sáng chế liên quan đến các loại thuốc dựa trên các hợp chất mới được tạo ra.

Ngoài ra, việc tìm ra một hợp chất mới là vô cùng khó khăn và tốn kém. Các DN hiện khó có khả năng thực hiện các nghiên cứu như vậy. Trong khi đó, việc tìm ra công dụng mới của một loại dược phẩm đã biết có lẽ sẽ dễ dàng hơn và các DN chỉ có cơ hội tạo ra và đăng ký những sáng chế liên quan đến dược phẩm thuộc loại sau. Đặc biệt là đối với các loại thuốc dân tộc vốn chỉ sử dụng các loại nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên và một loại cây thuốc có khi dùng cho nhiều loại bệnh. Khi đó, việc nộp đơn đăng ký sáng chế cho giải pháp uống nước sắc của cây X, vốn theo truyền thống được sử dụng để chữa cảm cúm chẳng hạn, để một chữa bệnh mới, ví dụ ung thư, sẽ bị từ chối.

Các yêu cầu bảo hộ sáng chế dạng sử dụng: Có cần thiết phải chấp nhận? - Hình 1

Ảnh minh họa

Cần xem xét lại

Hiện nay, các đơn sáng chế liên quan đến YCBH dạng “sử dụng chất, thiết bị, phương pháp để thực hiện chức năng mới” bị từ chối bằng cách viện dẫn đến định nghĩa sáng chế được quy định trong điều 4.12 Luật SHTT, theo đó sáng chế “là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình”.

Dựa trên định nghĩa này, Cục SHTT từ chối các sáng chế dạng sử dụng vì cho rằng “sử dụng” không phải là “sản phẩm” cũng chẳng phải “quy trình” và do đó không phải là đối tượng được bảo hộ dưới dạng sáng chế.

Cần thấy rằng, việc phân loại sáng chế thành sản phẩm hoặc quy trình là phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, việc này không ngăn cản sáng chế dạng sử dụng được bảo hộ ở nhiều nước khác. Do đó, kết luận rằng “sử dụng” không phải là sản phẩm hoặc quy trình là không hợp lý. Thực ra, các sáng chế dạng sử dụng có thể diễn giải theo hai cách. Cách thứ nhất liên quan đến cách thức sử dụng có thể được trình bày như là YCBH về phương pháp. Cách thứ hai liên quan đến sản phẩm được sử dụng theo chức năng mới có được trình bày dưới dạng sản phẩm có mục đích giới hạn.

Để tránh bị từ chối vì lý do không phải là đối tượng bảo hộ, nhiều người nộp đơn đã chuyển đổi các YCBH dạng “sử dụng chất …” để thực hiện chức năng nào đó thành dạng “chất được sử dụng…” để thực hiện chức năng này. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các YCBH mới sẽ bị từ chối với lý do công dụng, chức năng của sản phẩm không phải là dấu hiệu kỹ thuật cơ bản đặc trưng cho sản phẩm hoặc quy trình. Thế nhưng, có thể phản bác lại quan điểm này bằng cách viện dẫn các quy định pháp luật liên quan. Cụ thể là, Điều 25.3 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN quy định rằng:

Giải pháp kỹ thuật có thể thuộc một trong các dạng sau đây.

Sản phẩm dưới dạng vật thể (dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện...) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng chất thể (vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm...) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người.

Điều 25.5 của thông tư nêu trên cũng chỉ rõ rằng: Dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật có thể là đặc điểm về chức năng, công dụng, cấu tạo, liên kết, thành phần... cùng với các dấu hiệu cơ bản khác tạo thành một tập hợp cần và đủ để xác định bản chất (nội dung) của đối tượng.

 Trước khi ban hành Bộ luật SHTT, các YCBH dạng sử dụng vẫn được chấp nhận ở nước ta. Bộ luật SHTT được ban hành thay thế cho các văn bản pháp luật trước đó cũng không hề có bất kỳ quy định nào loại trừ đối tượng “sử dụng”.

Việc các sáng chế dạng sử dụng bị từ chối chỉ dựa trên việc diễn giải Luật SHTT theo một cách thức còn gây nhiều tranh cãi. Hơn nữa, không có gì chứng tỏ rằng việc từ chối bảo hộ sáng chế dạng sử dụng có thể giúp ích trong việc bảo đảm khả năng tiếp cận thuốc đối với đại đa số quần chúng. Chính vì vậy, việc nên hay không từ chối các sáng chế dạng sử dụng và căn cứ pháp lý nào để từ chối các sáng chế này cần được xem xét lại.

Thanh Hà