Theo đó, năm 2022, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị cho khoảng 2000 bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, quy trình cấp cứu tối ưu, tỷ lệ tái thông khoảng 6.5%... Đây là một trong những điều kiện giúp bệnh viện đạt chứng nhận chuẩn chất lượng vàng trong điều trị đột quỵ.

Bệnh nhân phục hồi tốt sau can thiệp điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ
Bệnh nhân phục hồi tốt sau can thiệp điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. (Ảnh: Hải Dương)

Để đạt được chứng nhận này, bệnh viện phải đáp ứng được 8 tiêu chí nghiêm ngặt. Cụ thể: Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được điều trị thuốc tiêu sợi huyết trước 60 phút và trước 45 phút; Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được bắt đầu can thiệp mạch máu não trước 120 phút và trước 90 phút; Tỷ lệ tái thông được mạch máu bị nghẽn tắc (trên tổng số bệnh nhân nhập viện); Tỷ lệ bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được chụp Ctscan (Chụp cắt lớp vi tính ) hoặc MRI ( Chụp cộng hưởng từ ).

Tỷ lệ bệnh nhân được tầm soát rối loạn nuốt tại đơn vị; Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được sử dụng kháng kết tập tiểu cầu khi xuất viện; Tỷ lệ bệnh nhân rung nhĩ được điều trị kháng đông khi xuất viện, và tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại đơn vị đột quỵ hoặc hồi sức tích cực.

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang áp dụng quy trình chăm sóc bệnh nhân đột quỵ theo các tiêu chuẩn của Hội Đột quỵ châu Âu, giúp nhất quán trong quá trình điều trị, tăng khả năng điều trị thành công cho người bệnh.

Hai liệu pháp điều trị đặc hiệu cho đột quỵ nhồi máu não là tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.

Trong năm 2022, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã sử dụng liệu pháp tiêu sợi huyết cho khoảng 100 bệnh nhân, và liệu pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học khoảng 135 bệnh nhân.

Phong Vân (t/h)