Nhiều sản phẩm nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt

Trong bài viết trước đó Hà Nội: Nhà sách Giáo dục bày bán hàng hoá nước ngoài không tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định đăng tải ngày….. đã phản ánh thực trạng tại nhà sách Giáo dục, có những mặt hàng của Việt Nam sản xuất, có những sản phẩm xuất xứ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, trong đó, có những mặt hàng có tem nhãn phụ Tiếng Việt như đồ chơi trẻ em, đồ dùng học tập…

Ghi nhận của phóng viên ngày 31/5/2023 tại cơ sở số 1 Nguyễn Quý Đức, có nhiều sản phẩm 100% chữ nước ngoài mà không hề có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định. Một mặt khiến người tiêu dùng không biết nguồn gốc xuất xứ, thành phần, cách sử dụng cũng như những cảnh báo với người sử dụng sản phẩm, mặt khác vi phạm quy định phát luật về nhãn hàng hoá.

Bộ dụng cụ học tập 100% tiếng nước ngoài, không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định
Bộ dụng cụ học tập 100% tiếng nước ngoài, không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định
Cây hoa giả trang trí phòng
Cây hoa giả trang trí phòng "trắng thông tin", không rõ nguồn gốc xuất xứ
Sản phẩm toàn chữ Trung Quốc
Sản phẩm toàn chữ Trung Quốc

Trước đó, ngày 29/5/2023, phóng viên cũng đã “mục sở thị” hàng hoá tại nhà sách Giáo dục số 18 Phùng Hưng cũng ghi nhận tình trạng tương tự, nhiều sản phẩm 100% chữ nước ngoài “made in China, made in Taiwan, made in Japan…” mà không hề có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định.

Dây chun tóc toàn chữ Trung Quốc, không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định
Dây chun tóc toàn chữ Trung Quốc, không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định
Bút màu học sinh
Bút màu học sinh "made in China"
Đồ chơi cho bé không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, toàn chữ Trung Quốc
Đồ chơi cho bé không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, toàn chữ Trung Quốc

Trong khi đó, pháp luật đã có những quy định cụ thể về tem nhãn hàng hoá lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là Tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang Tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Một góc nhà sách Giáo dục cơ sở 18 Phùng Hưng, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội
Một góc nhà sách Giáo dục cơ sở 18 Phùng Hưng, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội

Cửa hàng trưởng Nhà sách Giáo dục thừa nhận “chậm trễ” dán tem

Để thông tin được khách quan, PV đã đặt lịch làm việc với Nhà sách Giáo dục của Công ty Cổ phần in và phát hành sách Việt Nam tại số 18 đường Phùng Hưng, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội. Sau 3 tuần, đại diện nhà sách mới phản hồi về lịch làm việc.

Tại buổi làm việc tại cửa hàng sách Giáo dục số 1 Nguyễn Quý Đức, cửa hàng trưởng của Nhà sách Giáo dục là ông Bùi Ngọc Long cho biết: “Nhà sách Giáo dục đã hoạt động 20 năm, các hàng hoá nhập khẩu có địa chỉ rõ ràng, không nhập hàng trôi nổi, có hoá đơn đầy đủ. Hàng được dán tem nhãn phụ ở kho của Công ty tại Cầu Diễn, về vấn đề hàng hoá không có tem nhãn phụ do bộ phận ở kho chậm dán tem nhãn phụ, đây là chậm trễ của cửa hàng”.

Ông Long nói thêm: “Nhà cung cấp mà không cung cấp đủ tem nhãn phụ chúng tôi sẽ trả lại toàn bộ, đặc biệt là hàng hoá nhập khẩu”.

Và cũng tại cơ sở nhà sách này, sau 3 tuần khảo sát, tại buổi làm việc trực tiếp, phóng viên vẫn nhận thấy nhiều mặt hàng tại đây không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định pháp luật.

Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận các giấy tờ hoá đơn chứng minh hàng nhập khẩu chính ngạch, ông Long cho biết phóng viên gửi email yêu cầu qua và sẽ gửi lại các giấy tờ. Thế nhưng sau đó nhiều ngày, phóng viên không nhận được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm nước ngoài đó. Dù phóng viên đã tích cực liên hệ qua điện thoại nhiều lần để đề nghị phối hợp, ông Long đều “im lặng, không nghe máy”.

Như vậy, đại diện Nhà sách Giáo dục đã thừa nhận nhiều mặt hàng nhập khẩu tại nhà sách không dám tem nhãn phụ Tiếng Việt do chậm trễ của bộ phận kho. Và dù nói rằng đều là hàng nhập khẩu có địa chỉ rõ ràng, không nhập hàng trôi nổi, có hoá đơn đầy đủ, nhưng vị đại diện này không cung cấp bất cứ một giấy tờ chứng minh nào cho lời nói của mình, thậm chí hoàn toàn im lặng, né tránh. 

Nhà sách Giáo dục thuộc Công ty Cổ phần in và phát hành sách Việt Nam hiện có 2 cơ sở tại Hà Nội. Cơ sở 1 tại số 1 Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội; Cơ sở 2 số 18 đường Phùng Hưng, phường Phúc La, quận Hà Đông.

Phóng viên đã đặt lịch làm việc với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan liên quan đề nghị phối hợp xác minh, kiểm tra và xử lý những sai phạm (nếu có) của hệ thống nhà sách Giáo dục nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như tạo ra môi trường kinh doanh hàng hóa lành mạnh, minh bạch thị trường.

Trúc Mai