Nghị định về bán, chuyển giao DN 100% vốn nhà nước đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/3/2015. Trước tình trạng nhiều DNNN hoạt động không hiệu quả kéo dài, Nghị định ra đời được dư luận đồng tình, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít chuyên gia bày tỏ sự lo lắng.
Một số quy định
Theo Nghị định về bán, chuyển giao DN 100% vốn nhà nước, trường hợp có từ hai người đăng ký mua trở lên thì phải bán theo một trong 2 phương thức đấu giá:
Đấu giá kế thừa toàn bộ số lao động còn lại, áp dụng trong trường hợp đã giải quyết một phần số lao động theo quy định của pháp luật về lao động và chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên - do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Thứ hai, đấu giá không kế thừa lao động, áp dụng trong trường hợp đã giải quyết hết số lao động hoặc đã phê duyệt phương án giải quyết hết số lao động theo quy định của pháp luật về lao động và chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty TNHH MTV - do Nhà nước làm chủ sở hữu. Số tiền bán DN sau khi nộp vào NSNN phần giá trị quyền sử dụng đất (nếu có), được sử dụng vào các mục đích: Thanh toán các chi phí phục vụ cho việc bán DN; thanh toán các khoản nợ mà người mua không kế thừa; thực hiện chính sách đối với người lao động khi bán DN; số tiền còn lại được nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp DN tại công ty mẹ trong trường hợp bán công ty thành viên, bộ phận phụ thuộc của công ty mẹ; công ty TNHH MTV trong trường hợp bán bộ phận DN của công ty TNHH MTV; quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN trong trường hợp bán công ty TNHH MTV.
Nghị định có hiệu lực từ 1/3 này cũng quy định người lao động trong DN được xem xét giao DN khi đáp ứng đầy đủ một số điều kiện.
Vẫn còn băn khoăn…
Lợi ích của việc tư nhân hóa các DNNN đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ thu được ngay một số vốn nhất định. Với số vốn đó, Nhà nước có thể tái đầu tư xây dựng các dự án có quy mô lớn hơn. “Theo tôi hiểu thì Chính phủ rất muốn thu hút được nguồn vốn để tái đầu tư tiếp tục xây dựng các công trình khác, đây là điều có thể thông cảm được. Tuy vậy để bảo đảm việc làm này diễn ra có hiệu quả và công khai minh bạch vì lợi ích của nền kinh tế quốc dân, trước tiên vẫn phải xây dựng luật, sau đó có những bước đi thích hợp với sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội” - đó là những trăn trở của TS. kinh tế Lê Đăng Doanh.
Điều quan trọng trong việc tư nhân hóa các DNNN là phải có khung pháp lý cụ thể và rõ ràng. Hiện Luật DN, Luật Lao động hiện hành hiện vẫn còn nhiều bất cập chưa được giải quyết. Khi tiến hành mua bán DN 100% vốn nhà nước thời điểm này, chắc chắn không dễ “thuận buồm xuôi gió”. Việc mua bán DN 100% vốn nhà nước cũng cần được triển khai một cách công khai minh bạch, có sự cạnh tranh bình đẳng, tránh việc định giá không được khách quan và chính xác gây thiệt thòi cho Nhà nước. Tránh việc chỉ định một đối tác nào đó thành người duy nhất được quyền mua hoặc đưa ra các điều kiện không phù hợp với Luật Đấu thầu. Nếu không xem xét kỹ, có thể vô hình chung đã giao một DN quan trọng của Nhà nước vào tay chủ mới mà không có sự giám sát. Vai trò giám sát độc lập của Quốc hội ở thời điểm này được nhân dân kỳ vọng nhiều và mong muốn vai trò này được tối đa hóa, từ đó có sự định giá một cách minh bạch.
Hiện nay, không ít DN 100% vốn nhà nước không chỉ có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, mà còn có những vai trò chiến lược rất quan trọng. Do vậy, cần phải có những khung luật pháp rất chặt chẽ và tối đa hóa vai trò giám sát độc lập của Quốc hội để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và nhân dân.
Thanh Bình