“5 xanh” giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh
Sáng 20/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp”.
Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, cần tìm cách để bảo đảm phục hồi sản xuất, vừa phải bảo đảm an toàn cho công nhân, không để hình thành ổ dịch trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. “Đây là vấn đề khó trong bối cảnh chưa khống chế hoàn toàn dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đến nay, có 291 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 71%. Trong 8 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 428 dự án đầu tư mới và 517 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 96.500 tỷ đồng; đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp (bao gồm 456.000 lao động nước ngoài), tăng khoảng 90.000 lao động so với cuối năm 2020.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ đã phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát 500 tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để làm rõ các khó khăn, vướng mắc. Qua kết quả khảo sát cho thấy, gần 50% doanh nghiệp bị tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, số còn lại bị ảnh hưởng lớn.
Qua phản ánh của các địa phương, doanh nghiệp, hiện nay, có 7 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt gồm: Hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam bị trì hoãn, ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư; chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra; chưa đồng bộ nhà ở và các công trình xã hội cho người lao động làm việc trong một số khu công nghiệp; lao động và chuyên gia nước ngoài khó nhập cảnh; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, đội chi phí, giá thành sản xuất; dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn để trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động.
Nguyên nhân được xác định chủ yếu xoay quanh diễn biến khó lường, phức tạp của đại dịch Covid-19, khiến nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp.
Mặt khác, hiện nay, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được triển khai kịp thời, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ ngắn nên chưa phát huy hiệu quả cho doanh nghiệp như chính sách giãn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí…
Là doanh nghiệp có hơn 6.300 lao động tại khu công nghệ cao của TP. Hồ Chí Minh, đại diện Công ty Nidec Việt Nam nêu kiến nghị, sau khi hoạt động trở lại, bất kỳ trường hợp F0 nào được phát hiện tại dây chuyền sản xuất, chỉ cần cách ly hoặc đóng cửa phần sản xuất liên quan, không phải đóng toàn bộ doanh nghiệp. Sử dụng nhiều lao động ngoại tỉnh, doanh nghiệp mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho lao động di chuyển giữa các địa phương.
Cùng quan điểm, đại diện Công ty Nike Việt Nam, đơn vị có kim ngạch xuất khẩu hơn 7 tỷ USD, bày tỏ băn khoăn về việc phục hồi sản xuất nhưng phải bảo đảm “tuyệt đối an toàn”. Công ty cũng mong muốn không đóng cửa toàn bộ nhà máy khi phát hiện 1 ca F0 mà chỉ cần nhanh chóng tách F0 và cách ly người tiếp xúc F0 trong nhà máy.
Giải đáp ngay kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nêu rõ, cụm từ “tuyệt đối an toàn” mà doanh nghiệp băn khoăn ở đây nghĩa là tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch lớn trong doanh nghiệp; tránh tình trạng sản xuất trở lại mà không có kiểm soát, tới một thời điểm nhất định, khi bệnh lây lan âm thầm trong lực lượng lao động rồi bùng phát thành ổ dịch lớn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe công nhân.
“Nếu tổ chức sản xuất trở lại thì phải tầm soát được dịch, như xét nghiệm hằng tuần. Việc xét nghiệm này thì các bộ, ngành, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, cần đưa ra hướng dẫn cụ thể. Nếu một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng nghìn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động”, Phó Thủ tướng nói.
Bày tỏ vui mừng trước giải đáp của Phó Thủ tướng, Công ty Unilever Việt Nam kiến nghị đẩy nhanh tiêm vaccine cho lực lượng sản xuất trọng điểm. Đại diện Samsung Thái Nguyên kiến nghị cho phép công nhân viên đã tiêm 2 mũi vaccine được di chuyển đi làm hằng ngày từ nhà (vùng xanh) tới công ty bằng hệ thống xe buýt do công ty bố trí.
Các doanh nghiệp như Công ty hóa chất Hyosung Vina (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Far Eastern (Bình Dương), C.E.O (Kiên Giang)… cùng mong muốn ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động, đơn giản quy trình mời chuyên gia nước ngoài, hỗ trợ giảm chi phí như hoàn thuế VAT…
Tại Vĩnh Phúc, 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt mức tăng 15,2% so với cùng kỳ; một số nhóm, ngành có mức tăng trưởng cao như sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất xe có động cơ; dệt may…
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 426 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 124.700 lao động; 816 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 104.706 tỷ đồng. Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, đã có 140 dự án bị suy giảm hoạt động, 40 dự án tạm dừng hoạt động, 4.000 lao động phải tạm thời nghỉ việc.
Qua khảo sát cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, các doanh nghiệp hiện nay đang gặp các khó khăn chính về nguồn cung ứng nguyên liệu, phụ tùng, thiết bị; thị trường tiêu thụ; nguồn nhân lực; năng lực sản xuất và các khoản chi phí phát sinh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 105/NQ – CP của Chính phủ về Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; trong đó, tập trung rà soát, xem xét hỗ trợ một số chi phí cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tạo điều kiện về tuyển dụng, đi lại, di chuyển cho chuyên gia, người lao động; ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp; thành lập Tổ công tác trực tiếp giúp Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận thông tin phản ánh, đề nghị giải quyết khó khăn phát sinh cho doanh nghiệp.
Nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp phục hồi sản xuất, phát triển công nghiệp trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ, đảm bảo phục vụ cho những ngành xuất khẩu chủ lực; hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông và ổn định giá thành của nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đối tác kinh doanh; tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 trên toàn quốc, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố có nhiều khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp yên tâm ổn định sản xuất.
Chính phủ cam kết đồng hành, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, thủ tục nhập cảnh đối với chuyên gia ngày càng nhanh hơn, linh hoạt, rút gọn thông thoáng hơn, ví dụ như giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày. Chúng ta đã công nhận tạm thời đối với giấy chứng nhận tiêm vaccine của trên 60 quốc gia. Hiện các bộ, ngành đang tính toán mở rộng đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ khẳng định, lưu thông hàng hóa hiện không có vướng mắc lớn. Mỗi tuần Bộ giao ban 2 buổi với các địa phương, giao trách nhiệm cho các Sở Giao thông vận tải nắm chắc tình hình giao thông trên địa bàn để tháo gỡ kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, ngày 16/9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua một gói về miễn, giảm thuế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang gấp rút chuẩn bị dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện gói này để trình Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong điều kiện bình thường, Bộ đang dự kiến là phải bảo đảm “5 xanh”, thứ nhất là nhà máy xanh, thứ hai là công nhân, thứ ba là di chuyển, thứ tư là nơi ở công nhân và thứ 5 là y tế tại chỗ của doanh nghiệp.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương cho biết, đã có nhiều hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu trên mặt trận kinh tế. Như Đà Nẵng, lãnh đạo Thành phố sẽ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để lắng nghe, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ phục hồi sản xuất. Dự kiến, Thành phố sẽ hỗ trợ các khoản vay tín dụng, giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp...; hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp với quỹ đầu tư của Thành phố; đồng ý giãn tiến độ với các dự án đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch; hỗ trợ xét nghiệm với công nhân trong khu công nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, đã thành lập Tổ công tác của Thành phố để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. TP.Hồ Chí Minh cũng đã làm việc với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu... để thống nhất các giải pháp liên kết vùng; kết hợp với các cơ quan về vấn đề về lưu thông, chuyển vật tư vật liệu, lao động, chuyên gia.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hàng chục triệu lao động, có đóng góp lớn cho ngân sách, cho tăng trưởng, cho ổn định xã hội.
Xác định việc khôi phục kinh tế nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng hành lâu dài, chặt chẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất.
Phó Thủ tướng khẳng định, từ nay sẽ duy trì họp hằng tháng với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhất là các địa phương, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, kết hợp với việc chủ động tìm hiểu, nắm bắt và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. “Để Chính phủ, các cơ quan Trung ương đồng hành cùng doanh nghiệp cho đến khi phục hồi xong sản xuất kinh doanh”, Phó Thủ tướng nói.
Thời gian qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao, cụ thể và quyết liệt phòng chống dịch; đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách chỉ đạo các ngành, địa phương vừa tập trung dập dịch, vừa sản xuất kinh doanh. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30 phân cấp mạnh mẽ cho Chính phủ trong phòng chống dịch và Chính phủ dành nhiều thời gian cho công tác này, có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh.
Cho rằng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, phục hồi sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ổn định đời sống nhân dân là yêu cầu cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh vừa phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạnh cho công nhân lao động "là vấn đề khó, bởi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường còn gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch và an toàn cho công nhân còn khó khăn hơn nhiều lần".
“Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đều có mong muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, điều quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện hiệu quả. Nếu không phối hợp tốt thì khó có thể thành công”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Trong mối quan hệ chặt chẽ đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò chủ thể của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh. Tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bao gồm các giải pháp về kiểm soát F0; tránh tình trạng khi có F0 trong một phân xưởng mà phải dừng toàn bộ nhà máy với hàng chục phân xưởng.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, trung tâm, đầu mối để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là các tỉnh, thành phố, chính quyền cơ sở. “Các địa phương cần sớm tổ chức các hội nghị, cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với doanh nghiệp để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất trong bối cảnh hiện nay, hướng dẫn doanh nghiệp có phương án tái sản xuất”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Nêu dẫn chứng mô hình tại một số địa phương đã lập ra các tổ công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh đứng đầu, trực tiếp xử lý, hướng dẫn, thông qua phương án phục hồi sản xuất của doanh nghiệp trong điều kiện phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị lãnh đạo các địa phương trên cả nước cần căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh vai trò điều tiết tổng thể, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cũng như tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách. “Doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm, đầu mối giải quyết là các địa phương. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ sát cánh cùng các địa phương, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần có kế hoạch cụ thể phân bổ vaccine về các địa phương có các khu, cụm công nghiệp, hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động. Các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp để làm sao ưu tiên vaccine cho người lao động sản xuất công nghiệp.
Về giao thông vận tải, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc luôn bảo đảm thông suốt các tuyến giao thông huyết mạch, trong trường hợp phải phong tỏa thì tìm tuyến thay thế để hàng hóa lưu thông. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Y tế, địa phương có hướng dẫn để công nhân có thể đi lại từ tỉnh này sang tỉnh kia.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định thông điệp, Chính phủ sẽ đồng hành, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tới khi phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Hoan Nguyễn