Rau quả là một trong những điểm sáng khi nhiều nông sản xuất khẩu khác đang chật vật tìm kiếm đơn hàng. Điểm sáng này, phần lớn nhờ thị trường chủ lực Trung Quốc đã tăng nhập khẩu trở lại.
Ngành nông nghiệp đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó tăng cường liên kết tạo đầu ra ổn định, đảm bảo chất lượng, đa dạng hóa thị trường, hướng tới đạt mục tiêu xuất khẩu trên 5 tỷ USD.
7 tháng đầu năm, tỉnh Tiền Giang ghi nhận bước đột phá trong xuất khẩu, khi đạt 15 triệu USD, xấp xỉ bằng cả năm 2022.
"Hướng dẫn người dân đăng ký mã số vùng trồng, đăng ký mã số cơ sở đóng gói, vì thị trường Trung Quốc bắt buộc nên mình phải làm. Mình không làm thì người ta không công nhận. Vì vậy, đó là một trong những cái giải pháp mà chúng tôi cho rằng làm sao phải đưa tới người dân, người ta hiểu", ông Phạm Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho hay.
Theo các chuyên gia, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm nay, cao hơn mục tiêu đã đề ra khoảng 1 tỷ USD.
"Trong tương lai mình kỳ vọng mình sẽ có thị phần lớn nhất tại thị trường Trung Quốc. Chúng ta có lợi thế là nằm kế bên Trung Quốc nên chi phí vận chuyển, thời gian vận chuyển, tất cả đều ngắn và rẻ", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện ngành rau quả vẫn có dư địa khai thác lợi thế ở thị trường EU khi Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả. Đặc biệt, những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia vẫn cao.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD/năm trong tương lai gần, khi tập trung xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
Hồng Nhung (T/h)