Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 5/6, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) (Luật Các TCTD).
Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hiện được xây dựng với bố cục gồm 13 chương với 195 điều quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản TCTD; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
So với Luật hiện hành, dự thảo Luật giữ nguyên 48 điều, sửa đổi, bổ sung 144 điều và bổ sung mới 10 điều.
Tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu
Theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Luật Các TCTD số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 (gọi chung là Luật Các TCTD) đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động của các TCTD, tạo cơ sở để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị, năng lực quản trị rủi ro, tiếp cận dần với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, sau hơn 12 năm thực hiện, một số quy định của Luật Các TCTD đã không còn phù hợp cần xem xét để sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu tạo chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu cũng như kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.
Ngày 16/6/2022, tại Nghị quyết số 63/2022/QH15, Quốc hội đã quyết định kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD. Quy định tại Nghị quyết số 42 cần được nghiên cứu để luật hóa cũng như cần hoàn thiện thêm, khắc phục được các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn.
Việc xây dựng dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về TCTD; luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.
Đồng thời, việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Ngoài ra, việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) để bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ
Thẩm tra về dự án luật, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các TCTD nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 12 năm thi hành Luật Các TCTD năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng; tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các TCTD; tạo cơ chế xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trong đó rà soát, hoàn thiện Báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Các TCTD, Báo cáo đánh giá tác động chính sách; bổ sung thêm bảng so sánh Luật Các TCTD hiện hành và dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) kèm theo thuyết minh lý do từng nội dung sửa đổi.
Ủy ban Kinh tế khẳng định, hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị khá công phu, đầy đủ danh mục theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các chính sách thể hiện trong dự thảo Luật cơ bản thống nhất với chính sách đề nghị xây dựng Luật tại Hồ sơ kèm theo Tờ trình số 47/TTr-CP ngày 28/2/2023 của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Tuy nhiên, hồ sơ dự án Luật chưa bảo đảm gửi đúng thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn đến hạn chế cho cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội trong việc nghiên cứu, xem xét thấu đáo các nội dung có liên quan.
Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Các TCTD, bảo đảm đầy đủ nội dung giao Chính phủ, giao NHNN quy định; nghiên cứu cụ thể hóa tối đa tại Luật những nội dung đã rõ, đã được kiểm nghiệm và thực hiện ổn định, hiệu quả trên thực tế, phù hợp với nguyên tắc quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Luật gồm 13 chương, 195 điều; trong đó, giữ nguyên 48 điều, sửa đổi, bổ sung 144 điều và bổ sung mới 10 điều so với Luật Các TCTD hiện hành. Có ý kiến đề nghị cần bố cục lại một số chương, mục cho hợp lý hơn như chuyển Chương XI (Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu) lên trước Chương VII (Tài chính, hạch toán, báo cáo) do việc xử lý nợ xấu là một trong các hoạt động thông thường của các TCTD.
Có ý kiến cho rằng các hành vi bị nghiêm cấm được quy định rải rác tại các điều trong dự thảo Luật, đề nghị cân nhắc quy định chung 1 Điều về "Các hành vi bị nghiêm cấm" tương tự như quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm; trong đó nghiên cứu bổ sung một số hành vi, như: Nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát tại một TCTD; cấm nhân viên ngân hàng tư vấn bán chéo sản phẩm bảo hiểm không đúng, đủ thông tin hoặc lôi kéo, ép buộc khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm để được vay vốn, môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định… đang gây bức xúc dư luận hiện nay.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát Hiến pháp, 2 bộ luật, 31 luật và 16 điều ước quốc tế, tuy nhiên, dự thảo Luật có nội dung liên quan đến nhiều luật khác, trong đó có một số luật đang trình Quốc hội cho ý kiến (như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…) hoặc trình Quốc hội xem xét thông qua (như Luật Giao dịch điện tử, Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...).
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi, khắc phục tối đa những vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quy định của Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo Luật với quy định tại các luật liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật.
Ngoài ra, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định có liên quan tại các FTA khác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)… để bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
PV(Nguồn: chinhphu.vn)