Hiện trường vụ người dân chặt phá rừng đặc dụng.

Liên quan đến vụ việc người dân chặt phá rừng đặc dụng, theo báo cáo số 52/BC - KLHT ngày 12/10/2024 kết quả kiểm tra hiện trường của Hạt kiểm lâm Hà Trung, cho thấy; Tại lô 311 khoảnh 1 tiểu khu 468B, người dân đã chặt hạ 60 cây keo có đường kính gốc từ 10 - 40 cm. Thời gian chặt hạ vào đầu tháng 10/2024.

Số lâm sản sau khi bị chặt phá đang còn tại hiện trường gồm 16 khúc với chiều dài từ 3,0 - 10,5 mét, đường kính từ 17 - 36 cm với khối lượng 5,987 m², số còn lại đã được các hộ gia đình vận chuyển ra khỏi khu vực chặt phá.

Chiều rộng khu vực khai thác từ 10 - 25 mét tính từ đường tàu lên, chạy dọc theo đường sắt và đường dây thông tin đường sắt. Các cây khai thác chủ yếu là cây bị đổ, gầy, nghiêng, ngã có nguy cơ gây mất an toàn cho vận tải đường sắt.

Kiểm Lâm Hà Trung đang tiến hành kiểm tra hiện trường vụ chặt phá rừng đặc dụng tại Khu di tích Quốc gia đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc).
Kiểm Lâm Hà Trung đang tiến hành kiểm tra hiện trường vụ chặt phá rừng đặc dụng tại Khu di tích Quốc gia đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc).

Tại thời điểm kiểm tra, Tổ công tác chưa xác định được đối tượng khai thác. Đồng thời, theo báo cáo của UBND xã Triệu Lộc khu vực khai thác thuộc thuộc diện tích rừng trồng do 07 hộ gia đình thôn Sơn Thượng (06 hộ), thôn Phủ Điền (01 hộ) xã Triệu Lộc tự bỏ vốn đầu tư.

Cũng theo báo cáo của Hạt kiểm lâm Hà Trung liên quan đến việc người dân tự ý chặt hạ 60 cây gỗ keo tại khu rừng đặc dụng thuộc vùng đệm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) thì trước đó, vào ngày 12/9/2024, đội quản lý đường sắt tuyến Nghĩa Trang - Hà Trung thuộc Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa báo cáo UBND xã Triệu Lộc về việc vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại Km159+550 tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.

Tại biên bản kiểm tra lâm sản giữa UBND xã Triệu Lộc với Đội quản lý đường sắt tuyến Nghĩa Trang - Hà Trung. Ông Nguyễn Tấn Minh - Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn tiến hành kiểm tra hiện trường và lập biên bản xác nhận cây đổ, gãy.

Kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy; Có 61 cây keo tại Lô 311 Khoảnh 1 Tiểu khu 468B đổ, gẫy, nghiêng đang và số xảy ra nguy cơ mất an toàn cho hoạt động di chuyển của những chuyến tàu hỏa và đường dây thông tin liên lạc của đường sắt.

Để xử lý, UBND xã Triệu Lộc đã ban hành phương số 06/PAKT-UBND ngày 18/9/2024 về khai thác tận thu gỗ loài thực vật thông thường đặc dụng khu vực đền Bà Triệu. Tuy nhiên, khi phương án chưa được các cơ quan ban ngành có thẩm quyền xem xét, phê duyệt thì sảy ra tình trạng cây bị đốn hạ.

Báo cáo của Hạt Kiểm Lâm huyện Hà Trung liên quan đến rừng đặc dụng bị chặt phá.
Báo cáo của Hạt Kiểm Lâm huyện Hà Trung liên quan đến rừng đặc dụng bị chặt phá.

Mới đây, theo báo cáo số 377/BC-SNN&PTNT của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa gửi UBND tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan về sự việc rừng đặc dụng thuộc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu bị chặt phá trái phép; Tại lô 311, khoảnh 1, tiểu khu 648B, được quy hoạch chức năng rừng đặc dụng đã phát hiện 60 cây gỗ rừng trồng bị chặt hạ (59 cây đã chặt, 01 cây mới cắt ngọn chưa chặt); loài cây gồm 57 cây keo, 03 cây xà cừ, có đường kính gốc từ 10 – 40cm; thời gian chặt hạ vào đầu tháng 10/2024.

Cũng trong báo cáo, cho biết đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng vẫn chưa xác định được các đối tượng chặt phá rừng.

Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Hà Trung phối hợp với công an, viện kiểm sát tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ đối tượng khai thác, khối lượng lâm sản, xác định đúng loại đất, loại rừng, nguồn gốc rừng (nguồn vốn trồng rừng là vốn Nhà nước hay nhân dân tự bỏ vốn đầu tư) và kết luận rõ vụ việc, khẩn trương củng cố hồ sơ xử lý hành vi và đối tượng vi phạm để sớm xử lý dứt điểm vụ việc.

Trao đổi với PV, ông Trịnh Trung Nhật – Hạt trưởng hạt kiểm lâm Hà Trung đơn vị phụ trách quản lý bảo vệ rừng tại các huyện Hà Trung, Bỉm Sơn, Nga Sơn và Hậu Lộc cho biết: Sau khi chúng tôi nhận được thông tin tố giác tội phạm, xem xét vụ việc có dấu hiệu tội phạm, chúng tôi đã thực hiện các trình tự, thủ tục tin báo tố giác tội phạm theo quy định cũng như phối hợp chặt chẽ với Công an, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hậu Lộc tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ đối tượng khai thác. Trách nhiệm của UBND xã Triệu Lộc, hạt Kiểm Lâm Hà Trung như thế nào khi để xảy ra vụ việc, chúng tôi vẫn phải chờ các cơ quan chức năng có kết luận cụ thể thì mới biết.

Cũng theo ông Nhật, đối với lâm sản đã bị khai thác nằm bên trong phía đường tàu, nên việc vận chuyển là rất khó khăn. Hạt Kiểm lâm Hà Trung chúng tôi sẽ phối hợp với UBND xã Triệu Lộc tổ chức vận chuyển, tập kết, quy trữ toàn bộ số gỗ trên về UBND xã Triệu Lộc để quản lý, chờ kết quả điều tra xử lý của cơ quan chức năng, ông Nhật cho biết thêm.

Lê Nam