Chú trọng công tác sắp xếp đội ngũ cán bộ sau đại hội

Trên cơ sở nhìn nhận, dự báo toàn diện tình hình thế giới và trong nước; phân tích thấu đáo những thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức tác động đến quá trình xây dựng, phát triển của Vĩnh Phúc trong những năm tới, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định chủ đề của Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, siết chặt kỷ cương; đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành đô thị hiện đại, giàu mạnh, văn minh”.

Nghị quyết Đại hội đã xác định 28 chỉ tiêu chủ yếu, 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá. Trong đó, ưu tiên thu hút phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước. 

Ban Chấp hành khóa 17 nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt Đại hộiBan Chấp hành khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt Đại hội

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung làm tốt công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cần triển khai ngay việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lĐảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội cấp mình; xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội thắng lợi, hiệu quả ngay từ năm đầu tiên.

Trước mắt, Vĩnh Phúc tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2020; chủ động xây dựng kế hoạch năm 2021, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XVII đã đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đối thoại với cán bộ quản lý ngành Giáo dục và Đào tạo về giải pháp phát triển Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2021 – 2025Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đối thoại với cán bộ quản lý về phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021-2025

Các huyện, thị đều tập trung thực hiện Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2021-2025. Đảng bộ huyện Yên Lạc xác định một trong những mục tiêu quan trọng, được đặt lên hàng đầu là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đây là nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; kết nạp được 900 đảng viên trở lên; tỷ lệ đảng viên hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đạt 90% trở lên; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 95% trở lên. Để đạt được mục tiêu, Đảng bộ huyện Yên Lạc đề ra các giải pháp cụ thể và xác định khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy với chính quyền và các tổ chức chính trị thông qua nghị quyết và quy chế quản lý.

Huyện Yên Lạc đã xác định việc cần làm ngay sau đại hội là sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ. Để làm tốt công tác này, Huyện ủy Yên Lạc đã ban hành Công văn số 44 về thực hiện công tác cán bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đến nay, phần lớn các Đảng bộ xã, thị trấn đã kiện toàn xong các chức danh, các tổ chức đảng ổn định, nền nếp.

Đến nay, đội ngũ cán bộ xã Bình Định, Yên LẠC cơ bản được sắp xếp, bố trí phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lựcĐội ngũ cán bộ xã Bình Định (Yên Lạc) được sắp xếp, bố trí phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực

Ông Trần Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Liên Châu (Yên Lạc) cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ủy trong nhiệm kỳ 2020-2025 là tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, trong đó chú trọng công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn ngày càng vững về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ. Từ kết quả bầu Ban chấp hành, Ban thường vụ tại đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy đã sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ theo đúng quy trình, quy định. Hiện nay, đội ngũ cán bộ đã ổn định, đi vào nền nếp.

Động lực phát triển từ đầu tư công

Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2020-2025 mà Nghị quyết Đại hội thông qua, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Độ nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động lớn đến nền kinh tế thế giới, việc huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu là rất cần thiết.

Sản xuất linh kiện điện tử của công ty TNHH Cammsys Việt Nam tại Vĩnh PhúcSản xuất linh kiện điện tử của công ty TNHH Cammsys Việt Nam tại Vĩnh Phúc

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, việc sử dụng hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Để sử dụng hiệu quả và thúc đẩy giải ngân vốn đầu công, cần tập trung giải pháp: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho đầu tư công theo hướng tập trung, tổng thể làm cơ sở để các cấp, các ngành chủ động xác định, lựa chọn danh mục dự án cần thiết đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án theo đúng tiến độ;

Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng tâm, trọng điểm, các dư án có tính chất liên kết vùng, lan toả, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tổ chức lập, phê duyệt và triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tính chất đô thị hiện đại, văn minh, xứng tầm cả nước và khu vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả và tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt các dự án trọng tâm, trọng điểm dự kiến triển khai trong nhiệm kỳ 2020-2025;

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng; kiện toàn, bổ sung cán bộ có đủ năng lực cho các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực và chuyên ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ triển khai các dự án đầu tư công; Các cấp, các ngành tăng cường đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giảm thiểu các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hoàn thành 100% số vốn đầu tư công được giao.

Khu công nghiệp Bá Thiện II nhìn từ trên caoKhu công nghiệp Bá Thiện II nhìn từ trên cao

Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu thực hiện Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đến hết năm 2025, Vĩnh Phúc đã có 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh Vĩnh Phúc đề ra nhiệm vụ, trong giai đoạn tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện các nội dung, yêu cầu xây dựng NTM.

Song song với huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn thực hiện xây dựng NTM. Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và thế giới.

VinEco Tam Đảo ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng đến xuất khẩu nông sản sạchVinEco Tam Đảo ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng đến xuất khẩu nông sản sạch

Với mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 có từ 4-6 xã đạt NTM nâng cao; 2-3 xã đạt NTM kiểu mẫu, huyện Tam Dương đã chỉ đạo các địa phương bắt tay ngay triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể, sớm đạt tiêu chí của xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Huyện Yên Lạc xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết Đại hội về phát triển nông nghiệp là tập trung chỉ đạo các địa phương phát huy lợi thế sẵn có về diện tích mặt nước tại các ao, hồ, đầm để phát triển thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại

Với mục tiêu, đến năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 11%/năm, tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa loại hình thương mại hiện đại đạt 50% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội, thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh việc hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ.

Trong đó, tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, kết hợp sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu, nguồn vốn xã hội hóa; đẩy mạnh thực hiện dự án trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, chợ đầu mối nông sản; phát triển thương mại điện tử, xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến, giám sát và quản lý hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến.

Đồng thời, phát triển mạnh mẽ chợ liên xã và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, tạo thành chuỗi phát triển đa dạng các kênh thương mại đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng….

Sở Công thương tiếp tục phát triển chương trình nâng cao vị thế của các sản phẩm công nghiệp chủ lực, đẩy mạnh sức lan tỏa của chương trình trong cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự phát triển chung của công nghiệp. Tăng cường tham mưu đề xuất các cơ chế chính sách thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên: Công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mũi nhọn... tạo đà cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành thăm xưởng sản xuất của Công ty TNHH Shinwon Ebenzer Việt NamBí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành thăm xưởng sản xuất của Công ty TNHH Shinwon Ebenzer Việt Nam

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm, đẩy mạnh việc tìm kiếm khai thác các thị trường mới nổi, các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại đa phương và song phương.

Chú trọng khai thác các khu vực cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện phụ tùng, máy móc thiết bị để tận dụng lợi thế hiệp định EVFTA đã có hiệu lực.

Nâng tầm du lịch, dịch vụ

Những năm qua, Vĩnh Phúc đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tăng nhanh tỷ trọng thương mại, dịch vụ và du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nhiệm kỳ 2015-2020, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh vẫn đạt 7,39%.

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc trong giai đoạn 2015-2020 tăng trên 15% so với giai đoạn trước. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh thu hút 29 dự án mới đầu tư vào lĩnh vực du lịch, 5 dự án tăng vốn.

Trong đó, các dự án điển hình của dự án Flamingo Đại Lải, đạt tiêu chuẩn 5 sao với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 6.000 tỷ đồng; dự án Tam Đảo II của Tập đoàn Sun Group với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 2.987 tỷ đồng; dự án FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động, tổng mức vốn đầu tư thực hiện khoảng 600 tỷ đồng…

Flamingo Đại Lải Resort là điển hình trong kiến tạo không gian xanhFlamingo Đại Lải Resort là điển hình trong kiến tạo không gian xanh

Tuy nhiên, theo đánh giá, ngành dịch vụ của tỉnh phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh cũng như chưa phát huy tốt vai trò của ngành kinh tế động lực, chưa tạo ra những bước đột phá. Trong đó, phải kể đến những hạn chế: Sự tăng trưởng chưa bền vững; dịch vụ hỗ trợ các hoạt động thương mại còn chưa phát huy hiệu quả; các hoạt động thương mại truyền thống chưa bắt kịp sự phát triển của thương mại điện tử, thương mại số hóa.

Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị trấn, ở nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ còn thưa thớt; hệ thống chợ, siêu thị chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ và đa số có quy mô nhỏ; nguồn vốn đầu tư phát triển chợ còn chưa thỏa đáng, cơ chế phân bổ chưa hợp lý trong khi thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi. Chính vì vậy, đóng góp của ngành trong cơ cấu GRDP còn hạn chế và chưa bền vững. 

Để thực hiện mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 8,1-8,8% trong giai đoạn 2021-2025, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tập trung phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, có hàm lượng khoa học và công nghệ mang lại giá trị gia tăng cao; phát triển dịch vụ thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

Khách sạn Venus Tam Đảo đang là lựa chọn của nhiều du kháchKhách sạn Venus Tam Đảo đang là lựa chọn của nhiều du khách

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực lớn cho các ngành: Công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục, logistics và vận tải, tài chính-ngân hàng, tạo đột phá trong phát triển dịch vụ. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển du lịch theo hướng bền vững, coi đây là động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh và góp phần bảo vệ môi trường.

Flamingo Đại Lải Resort là điển hình trong kiến tạo không gian xanh. Các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, nghệ thuật, thể thao… đều được bao phủ cây xanh, cỏ hoa tạo cảm giác yên bình, chan hòa với thiên nhiên. Flamingo Đại Lải đã trở thành “Thiên đường du lịch” thu hút hàng nghìn khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi hằng năm.

Ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Phát triển du lịch hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường là hướng đi phù hợp với Nghị quyết của Tỉnh ủy, đảm bảo vừa phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng văn minh, hiện đại, hội nhập khu vực quốc tế, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Với tốc độ phát triển nhanh, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thời gian qua, lĩnh vực du lịch, dịch vụ của tỉnh đã được khai thác đúng hướng, bền vững, khẳng định thương hiệu - đưa Vĩnh Phúc thành một trong những điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và vươn tầm thế giới”.

Kỳ vọng vào một nhiệm kỳ mới khởi sắc

Theo ông Tạ Đức Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ Đô: Những năm qua, Công ty đồng hành cùng tỉnh Vĩnh Phúc trong đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị và các hoạt động từ thiện an sinh xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Công ty kỳ vọng sự thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sẽ mở ra trang mới cho tỉnh trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Đối với doanh nghiệp, Công ty mong muốn lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ mới đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính; có cơ chế ưu đãi lãi suất tín dụng, giá thuê đất linh hoạt cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai, giảm chi phí gia nhập thị trường; giải quyết kịp thời các vướng mắc, kiến nghị hợp lý của các nhà đầu tư.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ các khu, điểm du lịch trọng điểm; khuyến khích các nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch khu vực Tam Đảo, Tây Thiên, Đầm Vạc; hỗ trợ các hoạt động du lịch, các tuyến du lịch kết nối với các khu du lịch trên toàn quốc và khu vực.

Vĩnh Yên hướng tới đô thị xanh, đáng sốngVĩnh Yên hướng tới đô thị xanh, đáng sống

Quản đốc Phân xưởng cơ khí và chuẩn bị sản xuất (Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức) Hán Minh Tuấn chia sẻ: Với chủ trương đúng đắn trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh, những năm qua, Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các doanh nghiệp đến sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo điều kiện thuận lợi để Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức đầu tư xây dựng nhà máy nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Công ty mong muốn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ dành nhiều thời gian nghiên cứu, tiếp tục đề ra những chủ trương, quyết sách phù hợp tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển. Đảng bộ tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo phát triển công nghiệp; có chính sách ưu đãi về tiêu thụ sản phẩm, về vốn cho các doanh nghiệp, đồng thời, đầu tư xây dựng nhà ở, thiết chế văn hóa xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống đội ngũ công nhân lao động. 

Là điển hình tiên tiến trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, anh Hà Xuân Trường, hội viên Chi hội nông dân thôn Nho Lâm, xã Tam Hồng (Yên Lạc) kỳ vọng: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, để có nhiều quyết sách mới phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững; chú trọng khai thác giá trị kinh tế các sản phẩm có tính đặc thù của từng địa phương; có cơ chế hỗ trợ giống, vốn; đưa phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, có thêm các giải pháp thiết thực để xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, thu hút nguồn lực đầu tư và xã hội hóa để duy trì kết quả chương trình xây dựng NTM và thực hiện xây dựng NTM nâng cao tại các địa phương đạt hiệu quả hơn.

Tin tưởng bề dày lịch sử vẻ vang và truyền thống xây dựng, phát triển của quê hương sẽ là nguồn sức mạnh và động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chung sức, đồng lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du  lịch; là một trong những tỉnh giàu có và phồn vinh nhất miền Bắc nước ta như lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh năm 1963.

 Hoan Nguyễn