Xuất xưởng 158 triệu chiếc điện thoại di động

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tháng Chín, Việt Nam đã sản xuất 19 triệu điện thoại di động. Sản lượng sụt giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng nhẹ so với con số 18,9 triệu của tháng Tám.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Sau 09 tháng đầu năm, Việt Nam đã sản xuất tổng cộng 158 triệu chiếc điện thoại di động và xuất sang nhiều thị trường lớn.

Cũng giai đoạn này, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp nhìn chung tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69% (quý I tăng 7,85%; quý II tăng 11,07%; quý III tăng 13,02%) và đóng góp 2,74 điểm % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Theo báo cáo xuất nhập khẩu, năm 2021, sản lượng sản xuất điện thoại trong nước đã đạt 233,7 triệu chiếc, tăng 7,6% so với năm trước đó. Giá trị sản xuất linh kiện điện thoại đạt 580.800 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020.

So với doanh số 1,39 tỷ chiếc điện thoại di động tiêu thụ trên toàn cầu do Counterpoint Research ghi nhận vào năm 2021, sản lượng điện thoại sản xuất tại Việt Nam chiếm gần 17%.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam đạt 57,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020 và chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của khu vực doanh nghiệp FDI đạt trên 56,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2020 và chiếm gần 99,0% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của cả nước.

Hồi tháng Tám, Tổng cục Thống kê đánh giá nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện của Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp.

Thị trường chính xuất khẩu điện thoại và linh kiện gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, UAE và Hàn Quốc. Đáng chú ý, Việt Nam cũng trở thành quốc gia sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng doanh số của tập đoàn trên toàn cầu.

Các “ông lớn” công nghệ đổ về Việt Nam

Samsung và Intel có thể được coi là thế hệ nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đặt nền móng cho ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam.

Hiệu ứng dây chuyền từ thành công của Intel, Samsung… và một số tác động do dịch Covid-19 gây ra đã kéo theo các tập đoàn công nghệ khổng lồ khác đẩy nhanh quá trình chuyển hướng chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

Thông tin từ Hãng Xiaomi phát đi ngày 31/05 vừa qua, hãng này thông qua đối tác DBG Technology VN có nhà máy tại Thái Nguyên, đã cho ra lò smartphone Xiaomi và các thiết bị khác. Những lô hàng điện thoại di động Xiaomi sản xuất tại Việt Nam lần đầu tiên đã được cung cấp cho đại lý phân phối có trụ sở tại TP. HCM là Digiworld để bán tại thị trường trong nước.

Phía Xiaomi cho rằng, sản phẩm smartphone và các thiết bị khác sản xuất tại Việt Nam không chỉ cung cấp cho thị trường Việt Nam mà còn được xuất sang thị trường Thái Lan và Malaysia.

Công ty DBG Technology VN, đối tác của Xiaomi, là đơn vị đã xây dựng nhà máy lắp ráp điện thoại tại Thái Nguyên. Nhà máy này được đưa vào hoạt động cuối năm ngoái, với kỳ vọng sản xuất 20 triệu sản phẩm mỗi năm không chỉ điện thoại mà còn có máy tính, điện tử gia dụng, linh kiện điện tử…

Đại diện của DBG Technology VN, ông Henry Wu cho biết: “Chúng tôi rất hào hứng về hợp tác giữa Xiaomi và DBG Technology VN, thông qua đó, chúng tôi đồng hành cùng Xiaomi, sản xuất sản phẩm của thương hiệu hàng đầu thế giới tại Việt Nam”.

Hiện, những sản phẩm tai nghe không dây của Apple thân thuộc với người dùng Việt Nam và cả thế giới như AirPods và AirPods Pro, đều được sản xuất tại Việt Nam. Việc sản xuất dòng sản phẩm này tại Việt Nam cho thấy một bước tiến về sự tín nhiệm với đối tác cũng như môi trường đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.

Chưa hết, các thông tin cho thấy Apple cũng sẽ chuyển một số dây chuyền sản xuất iPad, thậm chí Macbook từ Trung Quốc sang Việt Nam trong bối cảnh lệnh phong tỏa vì Covid-19 tại TP Thượng Hải (Trung Quốc) và vùng lân cận. Điều này cho thấy vị thế của Việt Nam trong sản xuất các mặt hàng công nghệ ngày càng được khẳng định.

Lê Pháp (t/h)