Sau hai chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (tháng 10/2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (tháng 12/2023), không khí tin cậy và hữu nghị đã lan tỏa rộng khắp đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hai nước, hình thành cục diện giao lưu, hợp tác sôi động, thực chất và đạt nhiều kết quả cụ thể.
Hai bên duy trì trao đổi chiến lược cấp cao thường xuyên giữa hai Đảng, hai nước, củng cố và tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên, phát huy vai trò định hướng quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương. Lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định sự coi trọng cao của Đảng, Nhà nước mỗi bên đối với quan hệ hai nước, cũng như vai trò, vị thế đặc biệt của quan hệ song phương trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước.
Việt Nam khẳng định củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhấn mạnh coi trọng quan hệ với Việt Nam, xác định đây là phương hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.
Đặc biệt, ngày 20/7 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh để chia buồn về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc và của cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đối với quan hệ hai Đảng, hai nước và đối với cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau nỗ lực thực hiện tốt nhận thức chung cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc đạt được trong các chuyến thăm của hai Tổng Bí thư hai Đảng, qua đó tiếp thêm những động lực mới mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, không ngừng làm phong phú cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược giữa hai nước.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh và cơ chế hóa hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực, triển khai đồng bộ, toàn diện trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội/Nhân đại, Mặt trận Tổ quốc/Chính hiệp toàn quốc và trong các lĩnh vực quan trọng như ngoại giao, an ninh, quốc phòng; không ngừng củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước, nỗ lực triển khai tốt và nâng cao hiệu quả các cơ chế giao lưu hữu nghị; xử lý ổn thỏa bất đồng, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định.
Theo đà tin cậy chính trị được tăng cường, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất. Việt Nam duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất củaViệt Nam.
Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD. Trong 7 tháng năm 2024, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 7,2%, và tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2023, Trung Quốc đầu tư 4,47 tỷ USD vào Việt Nam với hơn 700 dự án, tăng hơn 77%, đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong 7 tháng năm 2024, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào Việt Nam, chiếm tới 29,7%.
Theo Báo Nhân Dân