Kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 2 con số ở hầu hết các thị trường tiêu thụ chính trong tháng 8/2024 như Mỹ, Trung Quốc, EU. Các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn duy trì được đà tăng nhẹ.

Tồn kho giảm, nhu cầu nhập hàng phục vụ các dịp lễ cuối năm khiến cho các thị trường tăng cường nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu từ các nước sản xuất trên thế giới như Việt Nam có xu hướng tăng, tác động tích cực lên giá tôm xuất khẩu.

Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng 21% đạt 91 triệu USD trong tháng 8. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 482 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này tiếp tục xu hướng phục hồi trong tháng 8 với mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 477 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc tăng trở lại nhờ nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này tăng. Bên cạnh đó, Ecuador (đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc) phải đối mặt với kiểm tra gắt gao từ Trung Quốc và có một số lô hàng đã bị từ chối trong tháng 6 dư lượng sodium metabisulfite. Điều này ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc.

Xuất khẩu tôm tiếp tục ghi nhận tăng trưởng
Xuất khẩu tôm tiếp tục ghi nhận tăng trưởng

Cũng theo VASEP, trong tuần thứ 2 của tháng 9/2024, giá tôm chân trắng ướp lạnh nguyên con tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2023. So với đầu tháng 8/2024, giá tôm 30 con và 40 con tăng khoảng 40%. Tôm cỡ nhỏ hơn tăng 13-19% so với mức đầu tháng 8.

Mặc dù, trong tháng 8.2024 nhu cầu thị trường tích cực hơn và giá tôm cũng có xu hướng khả quan nhưng theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm, ngành tôm nước ta vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là dịch bệnh trong nuôi tôm, ví dụ bệnh ở tôm do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất nuôi trồng.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày 21/9/2024, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đã có bài phát biểu với nội dung liên quan đến những thách thức của ngành tôm Việt Nam và những kiến nghị, đề xuất nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm đến phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả. 

Theo ông Quang, tôm của Việt Nam là 1 trong 2 loài thủy sản nằm trong chiến lược phát triển nuôi của quốc gia, với tổng giá trị xuất khẩu 3,5 – 4 tỷ USD, chiếm 13 -14% tổng giá trị tôm toàn cầu. Việt Nam là quốc gia được đánh giá có công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất và có thế mạnh về sản xuất hàng giá trị gia tăng, hàng cao cấp. Khoảng 2 triệu nông dân liên quan đến ngành tôm.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng nền sản xuất tôm còn bất cập, bởi chi phí nhân công chế biến tôm cao do các khu công nghiệp thường nằm ở cánh đồng xa khu dân cư, làm mất nhiều chi phí đưa đón công nhân. Bên cạnh đó, thời gian người công nhân từ nhà đến nơi làm việc kéo dài làm giảm năng suất lao động, đồng thời chi phí cuộc sống của người công nhân tăng cao làm áp lực tăng lương luôn đè nén doanh nghiệp và hiện tại lương công nhân Việt Nam ở mức cao của khu vực.

Trong khi đó, chi phí xử lý nước thải trong nuôi tôm rất cao. Cụ thể, doanh nghiệp phải xử lý nước đạt tiêu chuẩn loại B với chi phí 5.000 đồng/m3 rồi mới đưa về khu xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, xử lý nước thải đạt loại A mất 10.000 - 15.000 đồng/m3. Nếu để doanh nghiệp xử lý nước thải đạt loại A thì chỉ mất không quá 5.500 đồng/m3. Người nông dân nuôi tôm chưa chịu làm các chứng nhận BAP, ASC, tôm hữu cơ/sinh thái… nên khó bán tôm và bán được giá tôm không cao.

Tỷ lệ thành công của tôm nuôi tại Việt Nam (40%) quá thấp so với Ecuador (90%), Ấn Độ (60-70%). Phương pháp nuôi tôm của Việt Nam sạch bệnh lớn nhanh và công nghệ cao với mật độ cao có thể đến 500 con/m2 nên tôm bị stress, gây ô nhiễm môi trường làm phát sinh dịch bệnh thường trực (Ecuador nuôi tôm theo phương pháp kháng bệnh, thích nghi và vừa sức tải môi trường với mật độ chỉ từ 15-30 con/m2 nên Ecuador rất thành công trong nhiều năm nay).

Hiện tại, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất tôm giống kém chất lượng trà trộn vào thị trường, người mua không phân biệt được nên tỷ lệ nuôi tôm thành công rất thấp. Nuôi tôm của Việt Nam thường là các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ nên không có kênh cấp, kênh thoát riêng nên dễ lây lan dịch bệnh tôm.

“Trong chuỗi giá trị tôm, doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ở khâu chế biến, tuy nhiên ở khâu nuôi tôm và khâu phân phối khó có thể cạnh tranh được với các đối thủ khác. Trong thời gian tới, các nước sẽ có thể bắt kịp và vượt Việt Nam cả về khâu chế biến, vì các Chính phủ và doanh nghiệp của họ cũng đang rất nỗ lực đầu tư công nghệ chế biến", ông Quang cảnh báo.

Do đó, ông Quang cho rằng ngành tôm cần thay đổi tư duy, thay vì chạy theo sản lượng, công nghệ cao (số lượng) cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả (chất lượng, môi trường, sức khoẻ và giá bán).

Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp thủy sản cần tiếp tục duy trì chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tối đa các cơ hội từ các chương trình thương mại và đấu thầu quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nỗ lực cải thiện chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới và thích ứng với biến động của thị trường.

Hà Trần