Lạm dụng thuốc tân dược
Đánh vào tâm lý người tiêu dùng thích dùng sản phẩm thiên nhiên, lành tính. Để tạo uy tín nhiều cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền không ngần ngại trộn thêm thuốc tân dược vào các sản phẩm bào chế thủ công thành các viên hoàn tán với danh nghĩa thuốc đông y với mục đích tăng doanh thu cũng như tăng hiệu quả chữa bệnh.
Tuy nhiên các chuyên gia y tế cho rằng việc làm này rất nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Nhất là hiện nay xuất hiện tình trạng một số cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền song lại mua tân dược về nghiền ra thành bột sau đó trộn với các loại dược liệu, để bào chế thủ công thành các loại viên hoàn với danh nghĩa là thuốc đông y, lừa bán cho bệnh nhân.
Việc trộn tân dược vào các bài thuốc y học cổ truyền có thể gây ra hậu quả nặng nề với sức khỏe người dùng
Các loại thuốc y học cổ truyền thường được các cơ sở sản xuất pha thêm tân dược vào là bài thuốc trị cảm cúm, trộn thêm hoạt chất Paracetamol; thuốc điều trị bệnh khớp, trộn các thuốc chống viêm chứa Corticoid như dexamethasone, prednisolone... Với “thủ đoạn” này, nhìn bằng mắt thường, người bệnh và ngay cả cơ quan quản lý cũng khó phát hiện các loại thuốc đông dược có trộn thêm tân dược hay không.
Trong khi đó paracetamol vốn có tác dụng về giảm đau, hạ sốt vốn được sử dụng nhiều trong tây y, nhưng nếu sử dụng loại thuốc này quá liều sẽ gây độc cho gan. Bên cạnh đó, nếu người đang say rượu, người có men gan cao, người bị dị ứng với hoạt chất Paracetamol khi uống sẽ nguy hiểm. Nhất là khi người bệnh uống thuốc động y có trộn thêm paracetamol với liều lượng không biết là bao nhiêu thì càng nguy hại tới tính mạng vì khả năng bị ngộ độc rất cao...
Ngoài Paracetamol thì Corticoid cũng là loại thuốc hay bị lạm dụng nhất, nhất là dành cho các bệnh nhân về xương khớp, mà hậu quả cho việc lạm dụng Corticoid là hội chứng tăng đường máu, dẫn đến đái tháo đường; hội chứng cushing, suy tuyến thượng thận. Thậm chí, gây suy cấp tính nếu đột ngột dừng thuốc dẫn đến trụy tim, trụy mạch; ngoài ra còn gây giòn xương, rối loạn điện giải....
Người tiêu dùng cần phải tỉnh táo
Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, việc trộn các hoạt chất có tác dụng dược lý mạnh của tân dược vào các dạng bào chế đông dược, thực phẩm chức năng... là nhằm tạo ra những hiệu quả tức thời cho người bệnh như giảm đau, ăn ngon, ngủ yên, tăng cân, sinh lực dồi dào, trí óc minh mẫn... Tuy nhiên, di chứng về sau cho sức khoẻ thì hết sức nặng nề, có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Để kiểm soát được thị trường đông dược, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, theo ông Hướng, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu và sản xuất trong nước, các ngành chức năng cần tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đông dược, đồng thời phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, kiểm soát thị trường đông dược và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Trước vấn nạn nêu trên, về phía Bộ Y tế, theo ông Phạm Vũ Khánh, Cục Quản lý y, dược cổ truyền đã thường xuyên thông báo những dược liệu có nguy cơ chiết hoạt chất, dược liệu hay bị trộn lẫn, kém chất lượng và những dược liệu dễ nhầm lẫn cho các đơn vị để chú trọng kiểm tra bằng kinh nghiệm và kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, Vụ cũng đang tăng cường lực lượng thanh tra y tế, nhất là những người có chuyên môn về y học cổ truyền để tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền, đặc biệt nguồn dược liệu đầu vào.
“Ngoài việc kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc y học cổ truyền, Vụ đang phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát tất cả các quá trình từ khâu tạo giống, chăm bón, nuôi trồng đến thu hái, bảo quản, lưu thông, sử dụng dược liệu”, Cục trưởng Cục y, dược học cổ truyền nêu.
Ngoài ra, Đông dược thường có tác dụng khá chậm, nhưng nếu người sản xuất trộn thêm các chất tân dược sẽ đem lại hiệu quả nhanh chóng. Mới uống người bệnh có cảm giác bệnh thuyên giảm ngay, tuy nhiên dùng một thời gian thì nguy hại cho sức khỏe. Vậy nên người bệnh nên cẩn thận và suy nghĩ kĩ khi lựa chọn phương pháp trị bệnh cho mình.
Theo Cục QLYDCT: Đặc trưng của sản xuất thuốc dược liệu thường sử dụng nguyên liệu đầu vào là các dược liệu để tạo thành các thành phẩm thuốc dược liệu. Phần lớn các cao dược liệu đã được các cơ sở sản xuất xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và kiểm soát chất lượng khi đưa vào sản xuất. Như vậy chất lượng của thuốc dược liệu được kiểm soát dễ dàng, chỉ cần kiểm soát quy trình sản xuất của thuốc.
Đối với thuốc cổ truyền, được sản xuất dựa trên sự phối ngũ của các dược liệu theo lý luận của y học cổ truyền, sau đó trải qua quá trình bào chế để tạo thành sản phẩm thuốc cổ truyền (viên nang, viên nén, viên hoàn...). Thuốc cổ truyền có sự tổng hòa của các vị thuốc, vì vậy việc kiểm soát chất lượng của thuốc cổ truyền phải kiểm soát ngay từ dược liệu đầu vào, còn việc kiểm tra chất lượng của thành phẩm thuốc cổ truyền là rất khó.
Hải Đăng