Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 511/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 10 tháng đầu năm 2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024.
Theo nội dung thông báo, trong những tháng còn lại của năm 2024, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, việc điều chỉnh chính sách của các nước theo diễn biến tình hình chung sẽ có tác động đến biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới.
Trong nước, áp lực từ việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý; tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và Đô la Mỹ vẫn ở mức cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu; rủi ro thiên tai, bão, lũ, thời tiết bất lợi cho sản xuất; nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao vào dịp cuối năm... đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tích cực theo dõi sát, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường để chủ động có giải pháp, biện pháp quản lý theo thẩm quyền, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
Để chủ động ứng phó với các thách thức trong công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tập trung theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước.
Kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 khoảng 4%.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, chủ động công tác dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán sắp tới.
Bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, tổ chức tốt các kênh phân phối, chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, khai thác tối đa thị trường trong nước.
Phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường, góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định giá cả trong nước.
Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức nghiên cứu toàn diện các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá tại Luật Giá năm 2023 và các văn bản hướng dẫn; tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý giá thuộc thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định.
Thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, giúp tăng nguồn cung, từ đó giảm áp lực tăng giá.
Tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại để ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước, góp phần ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương và Bộ Công Thương theo dõi sát sát diễn biến, tình hình nguồn cung, giá cả hàng nông sản, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi; kịp thời điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường…
Bộ Xây dựng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương trong việc công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng hằng tháng, đảm bảo sát với biến động của thị trường. Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường chú trọng xử lý các vấn đề về nguồn cung nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu cho thị trường, nhất là việc triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm.
An Nguyên (t/h)