Hội thảo đã thu hút nhiều đại biểu đến từ các Bộ, ngành và tổ chức quốc tế
Hội thảo phòng chống hàng giả khu vực ASEAN đã thu hút nhiều đại biểu đến từ các Bộ, ngành và tổ chức quốc tế (Ảnh: H.Nụ)

Ngày 7-8/11/2024, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Dự án IP Key SEA – Dự án về SHTT do EU tài trợ tổ chức Hội thảo phòng chống hàng giả khu vực ASEAN.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Lê Hồng nhấn mạnh, những năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, khu vực ASEAN đã và đang trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp, thương hiệu, sản phẩm và hàng hoá phát triển. Tuy nhiên, khu vực ASEAN đang phải đối diện với tình trạng sản xuất, buôn bán và vận chuyển hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền sản xuất, gây thất thu ngân sách, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và gây hoang mang, mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Để hạn chế và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và vận chuyển hàng giả, thời gian qua, Chính phủ các nước trong khu vực ASEAN đã đưa ra các định hướng chiến lược, áp dụng các giải pháp hiệu quả, kịp thời nên tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Liên quan đến hoạt động thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, ông Trân Lê Hồng thông tin, là cơ quan đầu mối Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ cung cấp ý kiến chuyên môn theo yêu cầu đối với các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ tính trong năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành 141 văn bản cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan thực thi quyền. Cục đã phối hợp với các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam triển khai một số hoạt động tại Việt Nam nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ thể liên quan trong đó có nội dung về phòng chống hàng giả...

Theo ông Laurent Lourdais, Tham tán Thứ nhất, Phó ban Kinh tế Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam vấn nạn hàng giả vẫn âm thầm diễn ra, với nhiều hình thức và phương pháp ngày càng tinh vi gây khó khăn cho cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ các nước ASEAN.

Do đó, để giảm thiểu vấn nạn hàng giả, các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ các nước ASEAN cần tiếp tục nâng cao năng lực. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ và phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong nước và xuyên biên giới nhằm trao đổi thông tin và hợp tác nhằm xử lý kịp thời với vấn nạn hàng giả hiện nay.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hành động của các chính phủ trong ASEAN là rất quan trọng cùng với sự chung tay của các nhãn hiệu, nhà cung cấp dịch vụ để ngăn chặn sự lây lan của hàng giả trực tuyến. Các nền tảng thương mại điện tử nên chủ động tìm và gỡ danh sách hàng giả, thực hiện trách nhiệm giải trình để biết người bán trên nền tảng của họ và làm việc với chủ sở hữu thương hiệu và cơ quan thực thi pháp luật bằng cách chia sẻ thông tin về hàng giả.

Hải Minh