Theo đó, ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP. Hồ Chí Minh đạt 99,8%. Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành trong tháng 11/2024.

Cũng theo ông Hùng, trong quá trình thực hiện dự án cũng đã gặp rất nhiều trường hợp khó khăn dẫn đến quá trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bị kéo dài.

Đường Vành đai 3 đoạn đi qua TP. Thủ Đức
Đường Vành đai 3 đoạn đi qua TP. Thủ Đức. Ảnh Viết Dũng/Báo Xây Dựng.

Nguyên nhân chính là do tình trạng mua bán qua nhiều chủ sở hữu dẫn đến khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu, nguồn gốc pháp lý; nguồn gốc qua nhiều thời kỳ, nhiều mô hình quản lý khác nhau (đất tập đoàn, nông trường, sử dụng trước giải phóng...).

Riêng trên địa bàn huyện Bình Chánh có nhiều trường hợp người dân sở hữu diện tích nhỏ, chi phí bồi thường không đủ để thực hiện các thủ tục tài chính về tái định cư dẫn đến việc ổn định nơi ở mới gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, tỷ lệ đất ở một số địa phương như TP. Thủ Đức khá lớn, nhiều hồ sơ pháp lý phức tạp, cần nhiều thời gian để hoàn tất các thủ tục và tiềm ần khả năng khiếu kiện, tranh chấp.

Về việc đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu xây dựng cho Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương khu vực Nam Bộ đã cam kết hỗ trợ cho dự án với tổng khối lượng 10 triệu m3 cát; trong đó, tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ 1,4 triệu m3 cát, tỉnh Tiền Giang hỗ trợ 6,6 triệu m3 cát và tỉnh Bến Tre hỗ trợ 2 triệu m3 cát.

Hiện tại, các địa phương trên đã hoàn thành thủ tục cấp phép cho dự án khai thác 13 mỏ cát và 6/13 mỏ đang bắt đầu cung cấp cát cho dự án, dự kiến trong quý IV/2024 sẽ hoàn thành cấp phép được tổng số 10/13 mỏ còn lại.

Đến nay, các nhà thầu của dự án đã chủ động huy động từ các nguồn cát thương mại trong nước, cát từ Campuchia và cát được hỗ trợ cung cấp từ các địa phương để đảm bảo tiến độ thi công xử lý nền đất yếu và các phụ trợ của dự án.

Thời gian tới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cùng với các nhà thầu thi công tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh thủ tục cấp phép các mỏ cát tiếp theo và chủ động phối hợp cung cấp vật liệu về công trường từ các mỏ cát được các địa phương hỗ trợ để đảm bảo tiến độ của dự án.

Dự án Vành đai 3 có chiều dài 76km, đi qua 4 địa phương, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An với tổng kinh phí gần 75.400 tỷ đồng. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh, dự án có 14 gói thầu. Dự kiến Vành đai 3 sẽ hoàn thành dự án vào năm 2025 và thông xe toàn tuyến vào năm 2026.

Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển giao thông của thành phố. Đặc biệt, sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng giúp giảm tải giao thông, kết nối các khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàng Bách(t/h)