Ba Lòng cái tên cứ nằm trong ký ức của tôi từ nhỏ, khi lên bậc tiểu học thường xuyên được cha mẹ tôi nhắc chuyện trong những bữa cơm chiều mùa Đông lạnh buốt của xứ Huế.
Mẹ tôi kể lại: 1954 khi Hiệp định Genève được ký kết, Mẹ tôi từ Huế lặn lội lên chiến khu Ba Lòng để tìm cha tôi, đoạn đường đi lúc đó vô cùng khó khăn, cách trở bởi núi, sông, suối… mới đến được chiến khu Ba Lòng. Sau khi tìm được, lúc đó cha tôi là chính trị viên tiểu đoàn Lê Hồng Phong phụ trách tăng gia sản xuất nuôi quân. Một thời gian sau thì mẹ có thai tôi tại đây. Sau đó, bạn bè cha tôi lên đường tập kết ra miền Bắc, một số được tổ chức bố trí ở lại hoạt động tại miền Nam, trong số đó có cha tôi. Cha tôi và gia đình về Huế sinh sống ở quê ngoại tôi tại làng La Khê, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà bây giờ.
Từ tháng 05/1947, chiến khu Ba Lòng ra đời trở thành nơi dừng chân đóng trụ sở hoạt động của bộ đội chủ lực, cơ quan Đảng, Uỷ ban hành chính kháng chiến, đoàn thể, quân dân. Trong suốt cuộc chiến tranh (1947-1954) thực dân Pháp đã nhiều lần tập trung quân tấn công Ba Lòng, nhưng với địa thế hiểm trở và lòng kiên trì, Chiến khu Ba Lòng vẫn đứng vững.
Sau năm 1954, Ba Lòng không còn tồn tại là chiến khu nhưng Ba Lòng vẫn là mảnh đất kháng chiến, người dân Ba Lòng đặt niềm tin vào Đảng.
Làm nghề báo tôi may mắn được nhiều lần đến với mảnh đất Quảng Trị, quê nội tôi - Cửa khẩu Lao Bảo rất đỗi thân thương và đáng tự hào này, được chứng kiến những đổi thay rất đáng trân trọng. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến, Ba Lòng đã in đậm trong ký ức của tôi.
Diện mạo miền quê Ba Lòng ngày hôm nay đang thay da đổi thịt qua từng ngày, tháng... Những ngôi trường được xây dựng khang trang, những con đường bê tông trải dài. Và người dân Ba Lòng thực sự được đổi đời từ năm 2000, khi vùng đất cách mạng có điện thắp sáng. Nhưng có lẽ điều làm cho người dân vùng chiến khu toại nguyện nhất là việc Nhà nước xây dựng chiếc cầu bắc qua sông Ba Lòng, được khánh thành, đưa vào sử dụng trong dịp 02/09 năm 2005.... Cùng với chiếc cầu, một con đường dài 12 km, nối từ Km 41 của quốc lộ 09 chạy vào bờ Bắc cầu Ba Lòng được láng nhựa. Và từ bờ Nam của cầu Ba Lòng là một con đường rộng 10m để ô tô về đến trung tâm xã.
Chúng tôi rời Ba Lòng vào một buổi trưa mùa hè nắng nóng. Đường đi đến ngày mai của người dân Ba Lòng, nơi có gần 100% số gia đình có công với cách mạng, còn nhiều khó khăn nhưng với cơ sở hạ tầng khá đầy đủ - trường học, trạm xá, cầu đường, điện và nay là viễn thông, được Nhà nước, địa phương và ngành điện đầu tư, không lâu nữa, chiến khu xưa Ba Lòng sẽ thay da, đổi thịt nhanh chóng hơn nữa, đó là mong muốn của tôi đối với vùng đất này mà tôi hằng ấp ủ...
Hoàng Hữu Quyết