Báo cáo sơ kết kết quả thực hiện Kế hoạch xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 - 2030”, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, công tác thông tin, truyền thông về việc TP. Hồ Chí Minh trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu được đẩy mạnh qua các phương tiện thông tin đại chúng; trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, UBND TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng tổ chức quán triệt, phổ biến, truyền thông nội dung xây dựng thành phố học tập toàn cầu trong các hội nghị, lớp tập huấn, cuộc họp giao ban, lồng ghép với việc quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước cho công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.

Quang cảnh hội nghi
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Hoàng Nguyễn)

Đến nay, 16/22 UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức, 98 trường THPT, 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã thành lập Ban chỉ đạo công tác xây dựng thành phố học tập giai đoạn 2024 - 2030.

Để triển khai xây dựng thành phố học tập, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, kinh tế, nghề nghiệp, đồng thời thực hiện hiệu quả công tác huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục, tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia học tập.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hiện việc xây dựng kho học liệu mở, thư viện dùng chung phục vụ việc tự học và học tập suốt đời của người dân chưa đáp ứng nhu cầu như mong đợi; nguồn kinh phí phục vụ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho chuyển đổi số còn hạn chế. Chưa kể, với quy mô dân số lớn, thành phố cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng thành phố học tập toàn cầu.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm 2024 và trong năm 2025, mục tiêu trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng thành phố học tập.

Đồng thời, mỗi quận, huyện và TP. Thủ Đức cần xác định rõ vị trí, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng thành phố học tập, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện với những mục tiêu, giải pháp cụ thể.

Theo đó, các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện và TP. Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị trường học tập trung công tác tuyên truyền, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện với những tiêu chí, chỉ số cụ thể; định kỳ sơ kết kết quả thực hiện 6 tháng/lần để rút kinh nghiệm, triển khai các giải pháp phù hợp thực tế.

Hoàng Bách (t/h)