Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo tại hội nghị, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 95 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, toàn tỉnh đã tiếp nhận 688 hồ sơ đề nghị cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi, với tổng diện tích hơn 1.724 ha, tại 6 huyện là: Tràng Định, Văn Lãng, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan, Lộc Bình. Công tác thẩm định hồ sơ được triển khai cơ bản kịp thời, số hồ sơ thẩm định 645 hồ sơ, chiếm trên 93%, với tổng diện tích hơn 1.595 ha...

Tuy vậy, tỷ lệ hồ sơ đủ điều kiện phê duyệt còn thấp. Hội đồng thẩm định các huyện, xã đã thẩm định 645 hồ sơ; trong đó, số hồ sơ dự kiến đủ điều kiện phê duyệt chỉ chiếm 4,65%, với diện tích hơn 25 ha. Nguyên nhân do Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên và duy nhất trên cả nước đến thời điểm hiện tại thực hiện cải tạo rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi, do đó gặp khó khăn về cách thức triển khai, vướng mắc trong việc xác định cây mục đích. 

Đặc biệt, tại Khoản 1, Điều 48, Luật Lâm nghiệp quy định: Chỉ được cải tạo rừng tự nhiên ở những diện tích không có khả năng tự phục hồi”. Như vậy, đối tượng rừng để cải tạo theo Điều 8, Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định là: Không có khả năng phát triển thành rừng có giá trị kinh tế...

Theo đó, tiêu chí đánh giá theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT gặp nhiều khó khăn, không có đủ cơ sở đánh giá. Một số hộ gia đình có diện tích rừng có hiện trạng thuộc diện đưa vào rà soát đề xuất cải tạo, song tính pháp lý về quản lý sử dụng đất chưa rõ ràng...

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung tham luận, thảo luận, làm rõ về những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 95 như: công tác tuyên truyền thực hiện nghị quyết; công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp gắn với giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân; nhu cầu của người dân trong cải tạo rừng; thẩm định hồ sơ đề nghị cải tạo rừng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của tỉnh, thời gian tới UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 95, theo hướng đánh giá kỹ mục tiêu thực hiện, xác định rõ giữa việc quy định cụ thể diện tích cải tạo hằng năm và giai đoạn đến năm 2030 với việc thực hiện tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt hồ sơ của người dân.

Các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức xem xét, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 95 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn; đẩy nhanh tiến độ điều tra, đánh giá lập danh mục cây tái sinh mục đích theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. UBND cấp huyện chủ trì, tổ chức rà soát toàn bộ quy trình, đảm bảo tính pháp lý đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ dân có hiện trạng rừng sản xuất là rừng tự nhiên; kịp thời giải quyết đối với diện tích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chồng chéo, tính pháp lý, ranh giới chưa rõ ràng hoặc còn xảy ra tranh chấp.

Triệu Thành