Đề án được xây dựng với quan điểm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là chủ trương, giải pháp quan trọng, lâu dài, tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố; góp phần thực hiện 3 trụ cột kinh tế chủ yếu của thành phố là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu của Đề án nhằm tiếp tục đổi mới, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành nghề, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động, việc làm và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là lao động nghề chất lượng cao; chủ động tham gia vào thị trường lao động quốc tế; tập trung đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ cho người lao động đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của thành phố.
Phấn đấu đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp thành phố đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong nước, trong khu vực ASEAN và bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, cần có sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố. Đồng thời, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp của thành phố. Cùng với đó là đẩy nhanh chuyển đổi số, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; tăng cường nguồn lực và hiệu quả đầu tư nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp; chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cần tổ chức thực hiện Phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai hiệu quả Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; nghiên cứu, xem xét việc thành lập Hội đồng phát triển giáo dục nghề nghiệp thành phố; thực hiện đổi mới, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; kiện toàn bộ máy quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng với các tỉnh, thành phố lân cận (Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh…); tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỉ lệ học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; xây dựng chính sắc đặc thù của thành phố hỗ trợ đào tạo nghề…
Quỳnh Nga(t/h)