Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu hai đơn vị này thực hiện xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một vài đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo điều 216 Bộ luật Hình sự hoặc yêu cầu các doanh nghiệp chậm đóng xây dựng kế hoạch cam kết và thực hiện nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo tiến độ.
Thông tin từ Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 30/6/2023, tổng số doanh nghiệp chậm đóng là 82.258 đơn vị với số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là 6.222 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,26% so với kế hoạch thu.
Trong đó, có 5.113 đơn vị chậm đóng từ 6 đến dưới 12 tháng, với số tiền gần 570 tỷ đồng, chiếm 9% số tiền chậm đóng. Đặc biệt, có 29.478 đơn vị chậm đóng từ 12 tháng trở lên với số tiền 3.392 tỷ đồng, chiếm 54,52% tổng số tiền chậm đóng.
Để chính sách bảo hiểm phát huy hiệu quả với vai trò trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, kịp thời xử lý các vi phạm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Bảo hiểm xã hội thành phố chủ động đề xuất, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền phải phối hợp với UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức và Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và giải quyết chi trả các chế độ chính sách để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Hoàng Bách