Cách đây ít ngày, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa- ông Lê Đức Giang đã ký quyết định về việc thu hồi khu đất “vàng” hơn 2,2ha của Nguyễn Kim sau khi người sử dụng đất tự nguyện trả. Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa được giao quản lý khu đất theo quy định.
Dự án Trung tâm thương mại Nguyễn Kim với tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng, quy mô 10 tầng, một sàn lửng được triển khai tại khu đất đắc địa rộng hơn 2,2ha ở Khu đô thị Nam TP. Thanh Hóa.
Khu đất này được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cho Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa thuê vào tháng 1/2015. Đến nay, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, xung quanh được quây tôn.
Tiếp theo, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cấp cho Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa thực hiện Dự án Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy Vinaxuki, địa chỉ tại 2 xã Đại Lộc và Triệu Lộc (Hậu Lộc) có diện tích 46ha.
Dự án này được cấp phép xây dựng từ những năm 2010, có tổng mức đầu tư 1.360 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động từ năm 2011, nhà máy dự kiến tạo ra những con số đầy hứa hẹn, như sản xuất và lắp ráp 15.000 xe tải/năm, 400 xe buýt/năm...Tuy nhiên, sau 2 năm hoạt động, nhà máy bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang đến nay.
Cuối cùng, cũng trong thời gian vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn gửi các sở, ngành liên quan yêu cầu làm việc với chủ đầu tư để thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án Khu công nghiệp Hoàng Long.
Sau khi tỉnh Thanh Hóa có chỉ đạo trên, những ngày qua, cổng chào và nhiều biển hiệu quảng cáo về dự án đã được tháo dỡ. Dự án Khu công nghiệp Hoàng Long nằm trên địa bàn các xã Hoằng Anh, Hoằng Long, Hoằng Quang (TP. Thanh Hóa) và xã Hoằng Minh, Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa) được khởi công cuối tháng 09/2015 trên diện tích gần 287ha.
Theo công bố ban đầu dự án có tổng số vốn hơn 2.300 tỷ đồng, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ tạo việc làm cho 60-80 nghìn lao động, nhưng sau gần một thập kỷ thì nơi đây vẫn là khu đất hoang, cỏ mọc um tùm, trở thành nơi chăn bò.
Việc tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thu hồi loạt dự án vi phạm trên đã phần nào làm trong sạch môi trường đầu tư của tỉnh, đồng thời tạo dư luận tốt trong xã hội, trách thất thoát, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất,…
Dư luận hoan nghênh với cách làm cứng rắn, sự quyết tâm loại bỏ những “khối u” tại các dự án treo, dự án vi phạm gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh còn hàng chục các dự án treo, dự án vi phạm pháp luật đất đai khác nhưng chưa bị xử lý, thu hồi.
Cụ thể, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến ngày 06/03/2022, có tất cả 67 trường hợp đang vi phạm pháp luật đất đai phải đăng công khai. Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp vi phạm bị nêu tên công khai có gần 60 dự án chậm tiến độ đầu tư. Còn lại là các trường hợp không sử dụng đất liên tục.
Ngoài ra còn có các dự án có diện tích vi phạm lớn phải kể đến như: Dự án Trường Trung học dân lập kỹ thuật Visco của Công ty CP VNJ, diện tích 125.928 m2 tại Phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa; Dự án trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản kết hợp cây ăn quả, cây dược liệu của Công ty CP dịch vụ truyền thông LKC Việt Nam, diện tích 95.000 m2 tại Phường Bắc Sơn, Thị xã Bỉm Sơn.
Như dự án nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và xây dựng trang trại tổng hợp của Công ty CP sản xuất và thương mại Phú Lộc, diện tích 77.322 m2 tại xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc; Dự án xây dựng trạm dừng nghỉ và dịch vụ hậu cần quốc tế (giai đoạn 1) của Công ty CP Tập đoàn Tân Phục Hưng có diện tích hơn 64.470 m2 tại xã Tùng Lâm, Thị xã Nghi Sơn,…
Lê Nam