Sáng nay 8-2, Lễ thông xe tuyến Đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây do Bộ Giao thông vận tải, UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức đã diễn ra tại Trạm thu phí Dầu Giây, ấp Trần Hưng Đạo, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, ông Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng….
Phát biểu tại buổi lễ : Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khen ngợi dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vượt tiến độ xây dựng 1 năm, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đánh giá đạt chất lượng tốt. Đây là dự án có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD với thiết kế xây dựng đường cao tốc theo tiêu chuẩn hiện đại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đến cuối năm 2015 sẽ có thêm 120 km của 2 dự án đường cao tốc mới, nâng tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước lên 700 km. Phấn đầu đến năm 2020 có 2.500 km trên tổng quy hoạch đường cao tốc toàn quốc là 6.500 km. Như vậy còn 4.000 sẽ tiếp tục làm trong những năm sau 2020.
Tại buổi lễ, ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cho biết: Đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây là tuyến đường bộ cao tốc nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TPHCM nối quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và quốc lộ 1A. Dự án đi qua địa phận của TPHCM và tỉnh Đồng Nai với điểm đầu tuyến là nút giao An Phú, quận 2, TPHCM và điểm cuối tuyến là nút giao Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 55km được chia làm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần I (Đoạn An Phú-Vành đai II), thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80km/h, quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp; dự án thành phần II (Đoạn Vành đai II-Long Thành-Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h; quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng. Nguồn vốn của Ngân hàng Châu Á (ADB), vay của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng. Để thực hiện dự án phải giải phóng mặt bằng với diện tích là hơn 437ha; đền bù 1.990 hộ dân bị ảnh hưởng; di dời nhiều công trình công cộng.
Việc đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc dài 55km đã rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận. Từ TPHCM đi huyện Long Thành (Đồng Nai) hiện nay còn khoảng 22km, với thời gian lưu thông còn 20 phút, tức giảm 23km và giảm 40 phút so với đi đường cũ; đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120km thời gian lưu thông mất hơn 2,5 giờ đồng hồ nhưng nếu đi trên cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 1 giờ 20. Từ TPHCM đi Ngã ba Dầu Giây (giao Quốc Lộ 1A, hướng ra phía Bắc) và hướng đi Liên Khương (Khu vực Tây Nguyên) đi theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70km thời gian lưu thông mất 3 giờ nhưng đi theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian chỉ còn 1giờ, nhanh hơn 2 giờ so với trước đây, đồng thời giảm 20% đến 30% chi phí vận tải.
Theo chủ đầu tư, dù dự án được đầu tư trong giai đoạn nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương bị chậm, tuy nhiên được sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT, UBND TPHCM và tỉnh Đồng Nai, sự phối hợp của các cấp chính quyền cơ sở của 2 địa phương cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chủ đầu tư và các Nhà thầu thi công, ngày 2-1-2014 đoạn từ Vành đai II đến Quốc Lộ 51 dài 20Km đã thông xe đưa vào khai thác; Ngày 10-1-2015 đưa vào khai thác thành phần I của dự án dài 4Km từ nút giao An Phú (quận 2) đến nút giao Vành đai II (quận 9) vượt tiến độ thi công 6 tháng. Riêng đoạn từ nút giao Quốc lộ 51 đến nút giao Dầu Giây dài 30km được đưa vào khai thác vượt tiến độ gần 1 năm.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo, chính quyền và nhân dân TPHCM nơi có dự án đi qua, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chia sẻ, trong nhiều năm qua, TPHCM đã chủ động, tích cực triển khai các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; trong đó đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hệ thống giao thông trên địa bàn với nhiều phương thức như vốn ODA, BT, BOT, BOO… Do vậy, khi Bộ GTVT triển khai dự án đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, trong điều kiện kinh tế đất nước và TP những năm qua bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng TP đã chủ động, phối hợp triển khai các công việc trên địa bàn.
Tuyến đường cao tốc này kết nối với sân bay Long Thành, Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và các tuyến đường đi miền Trung, Miền Bắc và Tây Nguyên, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Hoàng Phương