Nguyên nhân chủ yếu khiến các doanh nghiệp này trả lại giấy chứng nhận, bao gồm doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện về hệ thống phân phối, cụ thể là đáp ứng về số cửa hàng sở hữu hoặc đi thuê, hoặc không đáp ứng được điều kiện về kho chứa xăng dầu. Năm ngoái, có những thời điểm số thương nhân phân phối xăng dầu trên cả nước lên đến hơn 330 thương nhân, nhưng đến nay chỉ còn chưa đến 300 thương nhân.

Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu báo cáo về việc duy trì điều kiện làm thương nhân theo quy định. Các doanh nghiệp này sau khi chủ động rà soát, nhận thấy mình không đủ điều kiện nên đã chủ động trả lại giấy chứng nhận để Bộ thực hiện thu hồi. Con số các doanh nghiệp phân phối xăng dầu buộc phải rời khỏi thị trường năm nay có phần cao hơn mọi năm.

Bà Vũ Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: "Thực ra, các năm trước cũng có tình trạng trả lại. Tuy nhiên, năm nay do sự rà soát kĩ càng của Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp báo cáo cụ thể hơn, họ cảm thấy không khắc phục, không duy trì các điều kiện đó nên chủ động trả lại. Các cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường và chúng tôi nhận thấy nó cũng không có tác động lớn đến tình hình kinh doanh xăng dầu trên thị trường".

Hệ thống kinh doanh xăng dầu ở nước ta được chia ra làm 3 tầng nấc chính: đầu tiên là các doanh nghiệp đầu mối, thu mua xăng dầu từ các nhà sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài về, tiếp theo là các doanh nghiệp phân phối xăng dầu và cuối cùng là các đại lý, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho người dân. Các doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường vừa qua là ở khối phân phối.

Bộ Công Thương cũng cho biết hiện nay, Bộ đang tiếp tục tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ ngay trong tháng 6.

Thu Trang(t/h)