Yêu cầu này dựa trên chỉ đạo của Cục Thủy lợi tại Công điện số 11/CĐ-TL-VHTT ban hành ngày 15/9/2024, liên quan đến tình hình mưa bão số 3 vừa qua.
Theo đó, Cục Thủy lợi đề nghị các Sở NN&PTNT tỉnh, thành phố; Chủ tịch, Giám đốc các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ thời gian mực nước sông đang xuống dần và không có mưa trong nội đồng, vận hành tối đa trong điều kiện cho phép các công trình đầu mối tiêu úng để hạ thấp mực nước trong hệ thống thủy lợi và tiêu úng nội đồng. Trong đó, cần lưu ý tốc độ rút nước trong kênh phải phù hợp để không xảy ra sự cố sạt trượt mái bờ kênh do mực nước hạ thấp quá nhanh.
Các đơn vị liên quan cần tăng cường theo dõi, kiểm tra tình trạng của các công trình thủy lợi, đặc biệt là các đoạn kênh và hồ chứa đã chịu ảnh hưởng lâu dài của nước lũ hoặc đang ở mức nước cao. Việc chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và trang thiết bị để xử lý các sự cố khẩn cấp là hết sức cần thiết nhằm hạn chế thiệt hại cho sản xuất và đời sống người dân.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát tình trạng của các công trình sau mưa lũ và tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa khi cần thiết. Nếu phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho công trình và phục vụ hiệu quả cho các đợt mưa lũ sắp tới.
Ngoài ra, cần rút kinh nghiệm từ quá trình vận hành và quản lý các công trình thủy lợi trong đợt mưa lũ vừa qua, đặc biệt đối với các hệ thống lớn hoặc liên tỉnh. Các quy định vận hành cũng cần được rà soát, điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế, nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ và khai thác các công trình, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, nơi có nhiều hệ thống thủy lợi lớn.
Việc rà soát quy trình vận hành các hồ chứa có cửa van điều tiết lũ cũng là một yêu cầu quan trọng, để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả trong việc điều hành trong các tình huống mưa bão khẩn cấp.
Tại Nghệ An, trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng từ bão số 4 gây ra mưa lớn trên diện rộng đã khiến nhiều địa phương bị sạt lở, ngập lụt, cô lập, các hồ thủy điện chủ động xả lũ để đảm bảo an toàn.
Tại huyện Quế Phong, do lượng mưa lớn, nhiều ta-luy dương và âm có nguy cơ tiếp tục sạt lở, đe dọa cuộc sống của 26 hộ dân, với tổng số 126 nhân khẩu. Chính quyền địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo lực lượng chức năng di dời các hộ dân này đến các khu vực an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản.
Tại TP. Vinh, mưa lớn từ đêm 22/9 đến sáng 23/9 đã khiến nhiều tuyến đường giao thông tại thành phố Vinh ngập sâu trong nước. Điều này đã gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân, đồng thời khiến nhiều xe máy, ô tô bị chết máy giữa đường.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng xẩy ra tình trạng ngập lụt, sạt lở đất gây ác tắc giao thông, gây thiệt hại về tài sản, vật nuôi, cây trồng.
Lê Quyết