Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thông điệp đầu năm nay của Thủ tướng, bên cạnh mục tiêu tái cơ cấu kinh tế thì đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới được xem là một trong những mục tiêu chính.


Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Trong kinh tế quốc gia, nông nghiệp tuy chỉ chiếm 19% GDP cả nước, nhưng trải qua những giai đoạn khó khăn, ngành này đã chứng tỏ vai trò trụ đỡ cho ổn định kinh tế cả nước.

Vượt qua thiên tai, vượt qua suy thoái, nông nghiệp vẫn giữ mức tăng trưởng (GDP) đạt 2,67%. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 49,3 triệu tấn, tăng trên 558.000 tấn, sản lượng cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả đều tăng, góp phần cải thiện đời sống của nông dân, làm giảm lạm phát, ổn định cán cân thương mại. Bên cạnh những thành quả quan trọng đó, chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam mới chỉ tăng trưởng nhờ tăng về sản lượng, chưa thành công về giá trị, thương hiệu sản phẩm. Người nông dân Việt Nam có mức thu nhập thấp và  còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro.

Để khắc phục những mặt còn hạn chế, ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Đề án 899).

Nội dung của Đề án đã đề ra những mục tiêu, quan điểm và giải pháp cụ thể cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới. Tái cơ cấu, về bản chất là quá trình chuyển mạnh toàn ngành từ phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bằng giá trị và lợi nhuận, đảm bảo phát triển bền vững.

Song song với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng được xem là một trong những mục tiêu chính.

Về nội dung công tác tái cơ cấu, sẽ tập trung khai thác và tận dụng tốt nhất lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, ưu tiên phát triển các mặt hàng nông sản có thế mạnh cạnh tranh trên thế giới như cà phê, cao su, lúa gạo, hạt điều, thủy sản, rau quả, đồ gỗ...; xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất lớn như trang trại, gia trại, kinh tế hợp tác, hình thành các chuỗi giá trị, các khu nông nghiệp công nghệ cao... tăng cường kết nối giữa sản xuất với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Trong Chương trình NTM, mục tiêu trước mắt và lâu dài là thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008, số xã đạt tiêu chí NTM là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.

Mấu chốt để thành công

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai kế hoạch năm 2014, do Bộ NN&PTNT tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM thực sự đang là một đòi hỏi cấp bách của cuộc sống nhân dân. Nếu xét sự thành công của Chương trình NTM ở tiêu chí quan trọng nhất là sản xuất và thu nhập của người nông dân, thì chắc chắn xây dựng NTM không thành công nếu không tái cơ cấu nông nghiệp thành công. Ngược lại, tái cơ cấu nông nghiệp sẽ khó thực hiện được nếu tách rời xây dựng NTM.

Để tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM thành công, chúng ta phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp. Song, 2 giải pháp mang tính quyết định đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Nói cách khác, phải áp dụng thể chế mới, quan hệ sản xuất mới, phù hợp với sự thay đổi của lực lượng sản xuất mà hiện đã phát triển với tính chất và trình độ sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trong tiến trình tái cơ cấu và xây dựng NTM, điểm mấu chốt là phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và phát huy cho được vai trò chủ thể của họ. Theo đó, việc khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh mới như kinh tế hợp tác, liên kết nông dân với doanh nghiệp, hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hay hình thành chuỗi giá trị… phải đảm bảo vai trò chủ thế của người nông dân, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của các tác nhân tham gia, nhất là doanh nghiệp.

Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM, phải gắn với quá trình tái cơ cấu toàn nền kinh tế. Ngành nông nghiệp phải thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, đặc biệt ưu tiên công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất vật tư thiết bị nông nghiệp và công nghiệp sử dụng nhiều lao động; tập trung và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn; có cơ chế, chính sách hiệu quả để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường và chủ động phòng chống thiên tai…

Ngành nông nghiệp phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, mà trước hết là công tác xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quản lý của ngành, thực hiện bằng được nhiệm vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp và Chương trình xây dựng NTM.

Tuyết Ngọc