Nhằm xác minh phản ánh của người tiêu dùng, phóng viên (PV) Thương hiệu và Công luận đã mục sở thị tại siêu thị giá sinh viên có địa chỉ 165 Phan Đăng Lưu, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, TP. Hải Phòng do người tiêu dùng cung cấp có gắn tên “siêu thị giá sinh viên”.
Siêu thị giá sinh viên có vị trí gần các trường học như: Đại học Hải Phòng, THPT Kiến An, THPT Phan Đăng Lưu,... trụ sở làm việc của các đơn vị như: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng, UBND quận Kiến An,… đây cũng là nơi tập trung đông dân cư.
Siêu thị sinh viên có 3 tầng, tổng diện tích sử dụng khoảng hơn 300m2. Tầng 1 của siêu thị giá sinh viên được trưng bày các mặt hàng như hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, đồ ăn vặt, rượu,…. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng có 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt.
Theo Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2022 sửa đổi một số điều của Nghị định số 43/NĐ-CP của Chính phủ về những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa khi đưa ra buôn bán, lưu thông trên thị trường Việt Nam: Tên hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, ngày sản xuất, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản, hướng dẫn sử dụng,... Nếu nhãn của hàng hóa không thể hiện các nội dung trên thì phải ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và phải chỉ ra nơi thể hiện nội dung đó.
Mặt hàng như hóa mỹ phẩm, thực phẩm như: gói chân gà tẩm ớt, rượu, nước uống hoa quả,... có 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định, khiến người tiêu dùng không thể xác định nó là sản phẩm gì, không biết được nguồn gốc của sản phẩm cũng như cách sử dụng sản phẩm.
Tầng 2 của Siêu thị giá sinh viên chủ yếu là các mặt hàng được dành cho nam giới. Các mặt hàng rất phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại khác nhau: quần áo, giày dép, mũ, ba lô túi xách,... Hàng hóa của siêu thị giá sinh viên phần lớn là hàng hóa 100% chữ nước ngoài, có một số hàng hóa được in trên mác “Made in Viet Nam” nhưng thực tế toàn chữ nước ngoài.
Tại đây cũng có rất nhiều sản phẩm giày dép, ba lô túi sách, dây thắt lưng da cá sấu mang nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Nike, Adidas, Lascode được siêu thị giá sinh viên bán với giá rất rẻ đúng với tên là siêu thị “giá sinh viên” khiến người tiêu dùng không khỏi hoài nghi về nguồn gốc hay chất lượng sản phẩm này.
Theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 129 Luật Sở hưu trí tuệ năm 2005 quy định hành vi xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý như sau: Sử dụng dấu hiệu, tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.
Theo điều 24 nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về việc lập hóa đơn như sau: Phạt tiền từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng đối với các trường hợp không lập hóa đơn tổng theo quy định về hàng hóa bán hàng, dịch vụ; không lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương nhân viên. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ cho người mua theo quy định. Quy định là vậy, nhưng thực tế tại Siêu thị giá sinh viên không xuất hóa đơn GTGT cho khách hàng, điều này càng dấy lên sự nghi ngờ về nguồn gốc hàng hóa tại đây.
Điều 17 nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về hành vi trốn thuế, cụ thể là không lập hóa đơn VAT khi bán hàng hóa, dịch vụ và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế sẽ phạt gấp 1,5 lần số tiền trốn thuế đối với người nộp thuế thực hiện hành vi vi phạm mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Phạt găp 2 lần đối với người có hành vi quy định mà có một tình tiết tăng nặng, phạt gấp 2,5 lần số tiền trốn thuế đối với trường hợp có 2 hành vi tình tiết tăng nặng và phạt gấp 3 lần khi người thực hiện có 3 hành vi quy định trong tình tiết tăng nặng.
Phía trước cửa Siêu thị giá sinh viên, phần vỉa hè đã bị chiếm dụng để quầy bán trà sữa, trà tắc, quần áo... không những chiếm dụng vỉa hè cơ sở này còn chiếm dụng cả lòng đường để làm chỗ để xe cho khách vào mua hàng. Việc làm như vậy sẽ làm mất mỹ quan Đô thị, ảnh hưởng tầm nhìn, gây mất an toàn giao thông vi phạm Khoản 1 Điều 36 luật giao thông đường bộ năm 2018: "lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông” Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/05/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định mức phạt đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Trần Duy