Với lợi thế "một mình một chợ", Grab tiếp tục tăng giá cước lên tới 30-40%...
Doanh nghiệp này dường như đang chứng tỏ thế “một mình một chợ” bằng việc quyết định mức giá, tăng lên 30 đến 40% bất chấp chuyện khách hàng suy nghĩ như thế nào. Và tiền vẫn đổ về túi của Grab ngày càng nhiều thêm.
Những khách hàng thường xuyên đi Grab khẳng định hãng đã âm thầm tăng giá cước ít nhất 20-30%, thậm chí có quãng đường tăng 30-40% so với trước đây.
Vì tính chất công việc, nhiều người lựa chọn xe công nghệ thay vì tự lái xe đến cơ quan. Có thể trước đây, họ thường xuyên sử dụng Uber nhưng từ khi hãng này rời khỏi Việt Nam, khách hàng buộc chuyển sang đi Grab.
Chính vì thế mà dường như khách hàng đang bị phụ thuộc quá nhiều vào hãng xe công nghệ này bởi thị trường hiện tại dường như đang là cuộc chơi của Grab, taxi truyền thống và các hãng mới ra không thể cạnh tranh lại.
Một khách hàng cho biết, trường hợp Grab âm thầm tăng giá, đôi khi đắt gấp đôi so với các hãng khác không phải là chuyện đầu tiên anh gặp phải. Sau những trải nghiệm không tốt gần đây, anh quyết định chia tay hãng công nghệ có trụ sở ở Singapore này.
Những ngày đầu mùa mưa, những giờ cao điểm giá Grab ở cả Hà Nội và TP.HCM đều tăng phi mã mà nhiều người nói rằng, Grab tính giá như “trên trời rơi xuống”.
Khi mới vào Việt Nam, Grab được nhiều người cho rằng đó là hãng xe công nghệ thân thiện, giá rẻ, lịch sự. Nhiều mỹ từ được dùng để ca ngợi loại hình vận tải mới, so sánh với taxi truyền thống vốn giá cao và “chảnh” với khách.
Tuy nhiên sau một thời gian, hình tượng taxi công nghệ thân thiện đã mất đi trong lòng người tiêu dùng. Cắt hỗ trợ tài xế, cắt khuyến mại khách hàng, nhiều vụ trộm cướp xảy ra, chuyện xâm hại của tài xế với khách hàng… cho đến chuyện tăng giá vô tội vạ, tăng giá không minh bạch của Grab. Những bức xúc này ngày càng dày lên sau khi Grab thâu tóm Uber và đang “một mình một chợ”.
Đến hiện tại, khi Grab đang tăng giá trên diện rộng với mọi cuốc xe, mọi sản phẩm hãng cung cấp mà không thông báo, thì hình tượng lại càng mất đi trong mắt khách hàng. Có người nói thẳng họ xóa app vì không còn ấn tượng tốt với hãng xe công nghệ được đánh giá khá tốt thuở mới vào Việt Nam.
Trong buổi gặp mặt báo chí vào đầu tháng 5 năm nay, Giám đốc Grab Việt Nam Jerry Lim biện hộ rằng mức phí của Grab đã tăng nhẹ so với trước đây, và nói thông tin tăng giá này đã được gửi đến email của từng khách hàng từ năm 2017.
"Năm 2017, giá xăng đã tăng 6 lần. Chúng tôi tăng cước là để công bằng với các đối tác. Bởi tài xế than phiền giá xăng tăng nhưng cước vẫn không thay đổi", ông nói.
Ông Jerry cũng cho biết thêm, mức giá hãng đưa ra chỉ cao hơn vào giờ cao điểm khi cùng lúc có nhiều khách hàng lựa chọn dịch vụ. Ngược lại, vào các thời điểm khác trong ngày, giá vẫn ổn định như bình thường.
Về những phàn nàn của khách hàng liên quan chất lượng dịch vụ, nhất là thái độ, tác phong không tốt của tài xế cũng như việc hủy cuốc, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết, theo kết quả khảo sát, đa phần tài xế đều ngại rước khách vào mùa mưa.
Trước đó, cuối tháng 3, Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trước thương vụ này, nhiều người dùng nghi ngại việc Grab sẽ độc chiếm thị trường “xe ôm, taxi công nghệ” trong nước bởi các hãng taxi truyền thống, ứng dụng bắt xe còn quá mới, không thể cạnh tranh.
Bảo Ngọc