Trong đó, khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long là 11 sản phẩm với các dịch vụ tàu tham quan, lưu trú có hành trình từ Vịnh Hạ Long đến Vịnh Bái Tử Long; phát triển các tour tuyến tham quan lưu trú trên Vịnh Bái Tử Long; tổ chức các dịch vụ vui chơi; giải trí dưới nước; sản phẩm du lịch văn hóa; trải nghiệm nuôi cấy, chế tác ngọc trai; chèo đua thuyền rồng truyền thống trên Vịnh Hạ Long…

Các địa phương cũng tích cực đưa ra các sản phẩm du lịch mới. TP Hạ Long đưa ra 9 sản phẩm: Phố đi bộ phong cách Hàn Quốc; tổ hợp vui chơi, giải trí ngọn Hải Đăng; phà du lịch Bãi Cháy; phiên chợ “Ký ức xưa”; du lịch cộng đồng tại các xã vùng cao của TP Hạ Long. Huyện Vân Đồn dự kiến có 14 sản phẩm du lịch về chăm sóc sức khỏe, thể thao ngoài trời, bãi biển, tiệc cưới, du lịch MICE... Huyện Cô Tô dự kiến có 7 sản phẩm khai thác tối đa lợi thế biển đảo, các khu vui chơi giải trí, du lịch chữa lành…

Du khách trải nghiệm
Du khách trải nghiệm "Phiên chợ ký ức" tại Bảo tàng Quảng Ninh

Các sản phẩm du lịch mới được định hướng phát triển đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị thiên nhiên, con người, văn hóa Quảng Ninh, Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh. Trọng tâm mở rộng không gian du lịch tại khu vực Vịnh Bái Tử Long và các khu vực biển đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các sản phẩm du lịch được xây dựng có mức độ hấp dẫn khác nhau, phù hợp với nhu cầu của du khách từ các thị trường mục tiêu của du lịch Quảng Ninh.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các sở, ngành địa phương và đơn vị liên quan chủ động xác định lộ trình, nhiệm vụ cần thiết để đưa các sản phẩm này vào hoạt động trong năm 2024. Đồng thời, Quảng Ninh hoạch định các phương án liên kết, xúc tiến, quảng bá khai thác; tạo thêm các dịch vụ bổ sung, tăng sức hút cho điểm đến, kết nối các dịch vụ để hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm du lịch.

Trần Trang