Đầu tư phát triển tài sản trí tuệ

Những chủ trương của Đảng và các cơ chế, chính sách của Nhà nước - tạo hành lang pháp lý nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy việc tạo ra tài sản trí tuệ (TSTT), quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển cơ bản đầy đủ từ các cơ quan, đơn vị Trung ương tới địa phương.

Luật SHTT đã quy định đầy đủ các vấn đề có liên quan, theo đó, công nhận và bảo hộ quyền SHTT của tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý và khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, bảo vệ, quản lý, khai thác TSTT.

Luật quy định hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền SHTT phục vụ lợi ích công cộng; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ cho hoạt động sáng tạo và bảo hộ quyền SHTT.

Nhà nước ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng liên quan làm công tác bảo hộ quyền SHTT và nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tạo ra TSTT.

Những chính sách của các địa phương đã ban hành khá đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác hỗ trợ phát triển TSTT một cách đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Trong đó, chính sách tập trung nhiều cho cơ chế bảo hộ, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm đặc sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2021 - 2022, bên cạnh việc ban hành các văn bản như nghị quyết của HĐND các tỉnh, thành phố quy định cơ chế hỗ trợ, quyết định phê duyệt chương trình hỗ của UBND cấp tỉnh, một số văn bản khác..., đã được các địa phương ban hành.

Có thể kể đến, như: Chỉ thị của tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm OCOP (“Mỗi xã một sản phẩm”); xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa; chỉ thị của UBND cấp tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, duy trì và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh; quy chế phối hợp tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý; quyết định thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phát triển sản phẩm OCOP, thương hiệu sản phẩm...

Điểu đó, chứng tỏ công tác SHTT nói chung và phát triển TSTT nói riêng, được cả hệ thống chính trị của địa phương quan tâm.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đối với sự phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Vì vậy, Nhà nước cần đưa ra nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu tổ chức triển khai từ các cấp và áp dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách đề ra.

Việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm
Việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Ghi nhận nhiều kết quả khả quan

Tính đến tháng 03/2023, có 128 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 115 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Thông qua chương trình phát triển TSTT ở Trung ương và địa phương, những nhiệm vụ quan trọng liên quan đến hỗ trợ nâng cao năng lực, bảo hộ và phát triển TSTT đối với tổ chức, cá nhân đã được triển khai.

Cụ thể, từ năm 2021 – 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt hỗ trợ triển khai 32 nhiệm vụ, trong đó có 26 nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT cho các sản phẩm chủ lực địa phương.

Song song đó là các nhiệm vụ tập huấn, đào tạo về SHTT cho các chủ thể; xây dựng tài liệu giới thiệu và hướng dẫn về SHTT trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đăng ký bảo hộ và quản lý biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia và khai thác, áp dụng sáng chế...

Các địa phương đã hỗ trợ triển khai 122 nhiệm vụ từ nguồn kinh phí của tỉnh, trong đó có 21 nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, 52 nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ, quản lý nhãn hiệu chứng nhận, 45 nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện và 4 nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho các chủ thể quyền.

Thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển TSTT cho các sản phẩm chủ lực địa phương, chương trình nói riêng và hoạt động SHTT nói chung đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, từ sản xuất, phát triển sản phẩm tự do sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm bảo hộ quyền SHTT được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng.

Việc bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc thù địa phương còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa.

Nhiều sản phẩm, sau khi được bảo hộ SHTT, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể.

Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và thanh long (Bình Thuận) đã lần lượt được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản (ngày 12/3/2021 và 07/10/2021). Sự kiện quan trọng này, đã đánh dấu bước tiến lớn - thiết lập một thành tựu mới trong hoạt động bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực quốc gia.

Việc Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận, đã chứng tỏ: Nền nông nghiệp nước nhà đang chuyển mình, khẳng định doanh nghiệp và người dân Việt Nam có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn của những quốc gia khó tính nhất thế giới.

Nhiều mô hình điểm - điển hình đáng ghi nhận trong thời gian qua. Đó là:

Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh tới cấp xã trong công tác xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La; lồng ghép hiệu quả giữa SHTT và sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh;

Phát triển SHTT gắn với khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống kinh đô Huế của tỉnh Thừa Thiên - Huế; SHTT phục vụ chống biển đổi khí hậu của các tỉnh Tây Nam Bộ; gắn kết giữa SHTT với hội chợ kết nối các sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau...

Nhận diện những khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - đào tạo và hỗ trợ, tư vấn - Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Mai Văn Dũng đã chỉ ra một số đặc điểm và thách thức trong công tác bảo hộ, quản lý chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm chế biến được bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Chủ yếu là sản phẩm hoa quả, chiếm 35% tổng số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, thủy sản 14%, dược liệu 10%, sản phẩm từ cây công nghiệp 10%, gạo 9%… Tuy nhiên, xu hướng bảo hộ cho sản phẩm chế biến có xu hướng tăng gần đây.

Quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ: Chủ yếu là địa danh và khu vực địa lý cấp huyện, xã, chiếm khoảng 65% chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Khu vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý có xu hướng tăng gần đây.

Mô hình quản lý, hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý chưa thống nhất: UBND tỉnh chiếm 7%; sở nông nghiệp và phát triển nông thôn 9%; UBND cấp huyện 35%; sở khoa học và công nghệ 36%.

Quy định về quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý được ban hành ở nhiều cấp như UBND tỉnh, UBND huyện, các sở…; giữa các sản phẩm/địa phương có sự khác nhau về tổ chức, quy định và nguyên tắc.

Hoạt động tổ chức áp dụng các công cụ quản lý, kiểm tra, giám sát sử dụng chỉ dẫn địa lý chưa được thực hiện, hoặc thực hiện không thường xuyên trên thực tế...

Điều đó, khiến các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp chưa được xử lý kịp thời, gây mất uy tín cho sản phẩm của các chủ thể đã được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Vai trò, chức năng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa rõ ràng; nội dung - kế hoạch kiểm soát thiếu tính đồng thuận và chi tiết; không tích hợp hệ thống quản lý giữa các ngành; năng lực quản lý và khai thác nhãn hiệu của các chủ thể sản xuất và kinh doanh được trao quyền sử dụng nhãn hiệu còn nhiều hạn chế.

Có nhiều chủ thể được lựa chọn để trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân...). Song, họ gặp nhiều khó khăn trong tổ chức quản lý, vận hành, đa dạng hóa hoạt động tạo thêm giá trị gia tăng, chủ trì xây dựng và điều phối chuỗi giá trị.

Nguyên nhân do lãnh đạo các tổ chức kinh tế còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm về xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng liên kết, hợp tác tiêu thụ các sản phẩm còn hạn chế; yêu cầu kinh phí nâng cấp sản phẩm để đáp ứng các tiêu chí (bao bì, nhãn mác, truy xuất, phân tích kiểm nghiệm, quảng bá, xúc tiến thương mại…) lớn, vượt quá nguồn lực có thể huy động và khả năng đầu tư của chủ thể.

Sự liên kết theo chuỗi giá trị giữa các tác nhân sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý còn lỏng lẻo. Một trong những nguyên nhân do việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nói chung và sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng là hoạt động phức tạp, có liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau , đòi hỏi các tác nhân đó phối hợp - tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị.

Một bộ phận người tiêu dùng ít có thông tin, hiểu biết chưa đầy đủ về sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong khi đây là tác nhân đóng vai trò quyết định đến sự phát triển thị trường tiêu thụ và thương hiệu sản phẩm...

Do đó, trong thời gian tới, hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm bảo hộ SHTT cần được đẩy mạnh thực hiện.

Cần nâng cao vai trò của quản lý nhà nước về quản lý, kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm được bảo hộ
Cần nâng cao vai trò của quản lý nhà nước về quản lý, kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm được bảo hộ.

Các giải pháp hỗ trợ thiết thực

Theo đó, để công tác bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP của các địa phương mang lại hiệu quả hơn, ông Mai Văn Dũng đưa ra một số đề xuất kiến nghị:

Trước hết, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra TSTT, đặc biệt là cho các nhóm chủ thể doanh nghiệp và nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP địa phương.

Cần đổi mới cách tiếp cận, xem SHTT như công cụ để bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị, chứ không chỉ là mục tiêu, kết quả cuối cùng là sản phẩm được bảo hộ;

Định kỳ có khảo sát, đánh giá về các kết quả, tồn tại, khó khăn của công tác quản lý, khai thác, phát triển TSTT; triển khai nghiên cứu xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản ưu tiên đăng ký bảo hộ TSTT giai đoạn 2021 – 2030;

Tăng cường nguồn lực cho các nghiên cứu ứng dụng; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đặt hàng, giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng từ nhu cầu, đề xuất của doanh nghiệp;

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về quản lý, kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm được bảo hộ; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, khai thác nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo bộ; thúc đẩy hoạt động quảng bá, thương mại; gắn với các chương trình xúc tiến thương mại, du lịch và OCOP;

Tiếp tục tăng cường năng lực (kỹ thuật, quản lý, thương mại) cho cán bộ chuyên môn, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham quan quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi, chống xâm phạm quyền SHTT;

Đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT nói chung và nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nói riêng ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, phát triển hình ảnh, khẳng định vị thể cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Sự kết nối chặt chẽ giữa Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ và Chương trình OCOP trong giai đoạn vừa qua, đã thúc đẩy việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Có 145 sản phẩm OCOP như chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì (Hà Giang), chè Tân Cương (Thái Nguyên), cà phê (Sơn La), lúa gạo (Sóc Trăng và An Giang)… khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý.

Hà Thu