Cho ý kiến vào một số đồ án quy hoạch
Hội nghị đã xin ý kiến vào Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045 (tỷ lệ 1/10.000). Đồ án có diện tích lập quy hoạch chung khoảng 25.830 ha. Trong đó TP Bắc Giang là 6.656 ha; huyện Yên Dũng là 19.174 ha. Đồ án Quy hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan để xây dựng và phát triển đô thị Bắc Giang trở thành một đô thị trung tâm, cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của vùng thủ đô Hà Nội.
Theo Đồ án quy hoạch, đô thị Bắc Giang sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, có nét đặc trưng riêng của từng khu vực, với nhiều trung tâm khác nhau và được liên kết bằng hệ thống giao thông công cộng.
Kết luận nội dung này, đồng chí Dương Văn Thái khẳng định: Đây là một Đồ án lớn của tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với TP Bắc Giang mà còn có ý nghĩa đối với cả tỉnh, khu vực Đông Bắc. Tỉnh ủy đã thống nhất quan điểm phát triển TP Bắc Giang trở thành trung tâm dịch vụ, trung tâm vận tải, trung tâm nghỉ dưỡng, mua sắm cuối tuần, đầu mối trung chuyển hàng hóa logistics của vùng thủ đô Hà Nội với biên giới phía Bắc. Mục đích hướng đến là phát triển đô thị xanh, thông minh.
Đồng chí đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là Sở Xây dựng, TP Bắc Giang, huyện Yên Dũng nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy để hoàn chỉnh Đồ án; lưu ý rà soát kỹ để bảo đảm phù hợp với quy hoạch cấp trên, đặc biệt là quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành và bảo đảm các số liệu, địa danh, địa điểm thống nhất.
Trên cơ sở đó hoàn chỉnh để trình HĐND tỉnh phiên họp chuyên đề tháng 9 tới. Sau khi HĐND tỉnh thông qua, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chậm nhất trong tháng 12.
Đối với Đồ án Quy hoạch chung đô thị Việt Yên đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000, các đại biểu cơ bản nhất trí Đồ án đã bám sát vào nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm trình tự, thủ tục các bước. Đồ án có diện tích quy hoạch khoảng 17.101,3 ha.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm khắc phục các tồn tại của các đồ án quy hoạch trên địa bàn đô thị Việt Yên, phấn đấu đến trước năm 2025 để Việt Yên đã là thị xã. Đến năm 2027 đạt tiêu chí đô thị loại III và đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Giang với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60 -75% và đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 75 - 85% vào năm 2045. Khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế tạo việc làm, ổn định sinh kế, nâng cao chất lượng sống người dân Việt Yên.
Về nội dung này, đồng chí Dương Văn Thái cho biết: Tỉnh ủy cơ bản nhất trí với những nội dung Đồ án Quy hoạch đô thị Việt Yên. Đồng chí giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, rà soát làm rõ thêm các thông tin, số liệu để hoàn thiện Đồ án trình kỳ họp HĐND tỉnh. Sau đó tiếp tục hoàn thiện trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với Đề án "Thành lập thị xã Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang và thành lập các phường thuộc thị xã Việt Yên”, đồng chí đánh giá cao sự tích cực, chủ động của cấp ủy, chính quyền huyện Việt Yên. Đồng chí giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu, rà soát, hoàn chỉnh Đề án để trình HĐND tỉnh theo quy định. Sau khi HĐND tỉnh thông qua tập trung hoàn chỉnh trình cơ quan Trung ương thẩm định, đề nghị HĐND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh chủ động tổ chức hội nghị chuyên đề trước ngày 20/9.
Mở rộng, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Hội nghị cũng thông qua dự thảo Báo cáo sơ kết thực hiện Kế hoạch số 20-KH/TU ngày 09/6/2021 của Tỉnh ủy về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Theo dự thảo báo cáo, tổng tuyển sinh các trình độ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2023 là 72.717 người, đạt 84,4% so với kế hoạch giai đoạn 2021- 2023. Kết quả tuyển sinh đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 70% năm 2020 lên 74% năm 2022 (đạt 100% kế hoạch năm); tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32% (cả nước đạt 27%), vượt 9,5% so với kế hoạch đề ra (22,5%).
Trao đổi, làm rõ thêm những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện, một số đại biểu cho rằng công tác tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh, học sinh, người lao động lựa chọn ngành nghề theo năng lực, điều kiện về kinh tế và đáp ứng nhu cầu của xã hội vẫn còn hạn chế.
Quy mô đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh còn thấp; năng lực đào tạo đối với một số ngành, nghề thị trường lao động có nhu cầu như: Khách sạn, nhà hàng; ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài; công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng... vẫn chưa nhiều.
Việc kết nối thông tin giữa cung và cầu lao động gắn với doanh nghiệp còn yếu. Việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và tốt nghiệp THPT tiếp tục vào học các trình độ GNNN còn hạn chế, nhất là tại vùng có điều kiện KT - XH khó khăn.
Thảo luận về nội dung này, đồng chí Lê Ánh Dương đề nghị cần mở rộng quy mô đào tạo các trường trung cấp, cao đẳng hiện có. Về lâu dài tỉnh thành lập thêm các trường nghề, có thể nâng cấp một số trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện thành trường trung cấp nghề. Bắc Giang quan tâm quy hoạch, bố trí quỹ đất để thu hút thêm trường ngoài công lập; tăng cường đào tạo lao động ngay tại các doanh nghiệp.
Về chất lượng đào tạo lâu nay vẫn theo mô hình đào tạo "3 trung cấp, 1 cao đẳng" nên thay đổi theo mô hình "1 trung cấp, 2 cao đẳng". Tăng cường kỹ năng cho người lao động, nhất là về dạy ngoại ngữ, quan tâm đào tạo chuyên gia, cán bộ quản lý để người Bắc Giang có thể đảm nhận được vị trí công việc có yêu cầu, đòi hỏi cao về chuyên môn.
Kết luận nội dung này, đồng chí Dương Văn Thái khẳng định: Sau 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch, Tỉnh ủy đã xác định đúng vấn đề, tạo ra sự đột phá phát triển của địa phương, tạo được môi trường để cạnh tranh đầu tư.
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, tầm quan trọng của GDNN đã được nâng lên. Tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Mạng lưới GDNN được củng cố tinh gọn, hiệu quả...
Về nhiệm vụ thời gian tới, Tỉnh ủy thống nhất quan điểm nâng cao chất lượng nguồn lao động là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá của tỉnh để tạo ra lợi thế cạnh tranh của địa phương về thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của tỉnh.
Tỉnh ủy cơ bản nhất trí các nội dung, nhiệm vụ mà Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất trong dự thảo báo cáo. Đồng chí Dương Văn Thái lưu ý, các cấp, ngành, địa phương bám sát vào các nhiệm vụ đã đặt ra trong Kế hoạch số 20, đặc biệt là Chỉ thị số 21, ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nâng cao chất lượng GDNN, nhất là những nội dung liên quan đến chương trình mục tiêu. Đồng chí Dương Văn Thái giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo quan tâm đầu tư cơ sở, vật chất, mở rộng quy mô các trung tâm GDNN, xem xét rà soát lại các trung tâm nếu đủ điều kiện có thể chuyển lên trường trung cấp.
Đổi mới phương thức đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nâng cao năng lực đào tạo nghề và thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông...
Bá Đoàn