Dự hội nghị có ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và Công tác gia đình tỉnh Bắc Giang.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án 216, phong trào đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Phong trào tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền, nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp, khắc phục tính hình thức, kém hiệu quả; nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ngày càng phát triển sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đề án 216 cũng đã tạo cơ chế khuyến khích, động viên, khích lệ phong trào phát triển, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, năng lực và trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp đối với phong trào.
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của phong trào, chia sẻ bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp nhằm đưa phong trào ngày càng thực chất, hiệu quả. Các tham luận tập trung vào một số nội dung như: Nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân khu công nghiệp; quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, thể thao; xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, các điển hình tiên tiến; vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong xây dựng văn hóa công sở.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Mai Sơn khẳng định việc triển khai thực hiện Đề án 216 của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT - XH, quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Để hoàn thành các mục tiêu của Đề án, ông Mai Sơn đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp:
Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát việc thực hiện các nội dung của Đề án bảo đảm thực chất, hiệu quả; bố trí nguồn lực, đặc biệt là cấp xã để triển khai thực hiện hiệu quả phong trào. Làm tốt công tác phối hợp trong triển khai thực hiện các nội dung của Đề án. Kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong tổ chức thực hiện;
Đẩy mạnh tuyên tuyền nội dung của Đề án, nhân rộng các mô hình điển hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào ở cơ sở, nhất là tuyên truyền về một số nội dung Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình, ứng xử nơi công cộng, bình đẳng giới… Mặt khác, chú trọng công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện phong trào. Đổi mới hình thức tuyên truyền để phong trào ngày càng thấm sâu vào đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Các cơ quan báo chí ngoài đẩy mạnh tuyên truyền việc làm tốt, điển hình tiêu biểu cũng cần phê phán những việc làm thiếu văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, vi phạm nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa nhất là các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi; huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở; chú trọng công tác thi đua khen thưởng, động viên, cổ vũ phong trào.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh bày tỏ tin tưởng việc thực hiện các mục tiêu của Đề án 2016 sẽ thu được nhiều kết quả hơn nữa, góp phần giữ vững ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển KT - XH một cách bền vững.
Nhân dịp này, 20 tập thể, 30 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, 10 tập thể được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án số 216.
Bá Đoàn