Nữ Giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai Lê Minh Hiền
Nữ Giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai, Lê Minh Hiền

 Duyên mà không phải… duyên

Trong vô vàn khốn khó, chị Hiền đã “gồng mình” bứt phá vươn lên, nuôi dạy “đàn con” cùng chung mái nhà Vì Ngày Mai.

Tự cứu mình, chị còn dang tay cưu mang những cảnh đời éo le, tật nguyền bằng tất cả nỗi lòng, sự tận tâm, tận tình và đức độ giữa dòng đời xuôi ngược. Để rồi hôm nay, phần lớn họ đều đã ổn định cuộc sống - công việc và thầm cảm phục, biết ơn người mẹ - một đời… lận đận bởi chữ tâm chữ đức.  

Chị là người có biệt tài “đôi tay vàng nữ công gia chánh”, thạo nhiều nghề; các cháu đến trung tâm học, đều được chị dạy nghề, chỉ bảo từng li từng tí... Và điều vô cùng quan trọng: Chị là người tâm huyết. Bởi nếu không thì làm sao chị có thể dạy nghề cho hàng trăm trẻ khuyết tật; lo cho các em có cuộc sống ổn định để không trở thành gánh nặng cho cộng đồng - xã hội?

Ngày đó, cạnh nhà chị Hiền, có một em bị khiếm thính, không được đi học, không biết chữ nhưng rất thông minh, hàng ngày sang nhà chị chơi, giúp các công việc làm thêm. Bản thân là một người khuyết tật, chị được gần gũi, tiếp xúc với người khuyết tật từ lần đó. Năm 1998, có thêm 4 em khuyết tật đến nhà chị, ban đầu là giúp làm việc cho vui; sau có thu nhập thì cùng nhau hưởng.

Anh Minh Hải (Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Linh Quang khi đó), chuẩn bị thành lập cơ sở nhân đạo mang tên Minh Hải, biết chị đang làm việc này và mời đến cộng tác cùng với cơ sở của anh. Chị Hiền chuyển đến được 1 năm, nhưng vì sức khỏe yếu, còn phải chăm lo cho 2 con ăn học nên đã xin nghỉ; các mối hàng, công cụ sản xuất để lại cho các cháu của cơ sở anh Hải.

Nhưng rồi, một định mệnh đã kéo chị Minh Hiền trở lại việc này. Đó là, sau khi chị nghỉ, các cháu thiếu người hướng dẫn, sản phẩm làm ra bị hỏng phải sửa chữa lại, thâm chí phải đền, các cháu kéo đến chị, nhờ sửa chữa và chủ hàng mời chị tiếp tục cộng tác. Nhân đà đó, các cháu rủ thêm các bạn khác cùng đến học và làm.

Cơ sở sản xuất của chị Hiền chỉ vỏn vẹn 20 m2 cho 8 người cùng máy móc làm việc,  ngột ngạt bởi hàng sản xuất. Chị Tân, lúc đó đang là Chánh Văn phòng Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, có gửi chị Hiền môt bức thư, trong đó đề nghị chị Hiền giúp cho thêm 8 cháu của CLB Trẻ khuyết tật của cô Phan Phúc. Vậy là, số cháu làm việc tại nhà chị Hiền đã tăng lên thành 16 người.

Nhà quá chật chội, chị Hiền phải đi thuê thêm chỗ khác cùng trong xóm cho các cháu tách ra ở riêng. Ngày tách ra và dọn sang nhà thuê mới là ngày 8/3/2002 (sau này, chị Hiền đã chọn ngày đó là ngày sinh nhật của đơn vị mình).  

Chị Hiền nhớ lại:

“Cơ sở của chúng tôi hoạt động chính thức từ ngày  8/3/2002 với vị trí ban đầu là một nhóm tự lực của người khuyết tật. Ngày 19/1/2009, chúng tôi được Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam ra quyết định công nhận là một trung tâm có tư cách pháp nhân, hoạt động theo điều lệ Hội chủ quản. Đơn vị mang tên Trung tâm Chăm sóc sức khỏe dạy nghề, tổ chức sản xuất, tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật Vì Ngày Mai (Trung tâm Vì Ngày Mai).

Trung tâm chuyên về lĩnh vực thêu, làm tranh giấy cuộn, vẽ tranh sơn mài, dệt, may, làm đồ thủ công mỹ nghệ XK… Đối tượng đến với trung tâm là thanh thiếu niên khuyết tật, tuổi từ 15 - 35, không phân biệt trình độ văn hóa, nguồn gốc dạng tật (thiểu năng trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị, người thấp bé, hoàn cảnh khó khăn…).

Việc chăm sóc sức khỏe, tuy chưa hình thành quy mô hoạt động do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng trung tâm đã liên kết với một số cơ sở y bác sỹ xoa bóp bấm huyệt để hướng dẫn tự luyện tập; liên kết với các bệnh viện để chăm sóc sức khỏe, KCB cho các em. 

Trân trọng những thành quả

Đại diện Trung tâm Nghệ thuật Hoàng Vân (HoangVanArt) ủng hộ tiền mặt tới Vì Ngay Mai. Nguồn: HoangVanArt
Đại diện Trung tâm Nghệ thuật Hoàng Vân (HoangVanArt) ủng hộ tiền mặt tới Vì Ngay Mai (Nguồn: HoangVanArt)

 Gần 20 năm qua, một chặng đường gập ghềnh gian nan, tuy chưa dài, nhưng đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ đối với Trung tâm Vì Ngày Mai. Ngoài thành quả có được cho mỗi con người, mỗi số phận, thì những kết quả mà trung tâm đạt được là đáng trân trọng. Theo đó, trung tâm đã nhận dạy và đào tạo cho hơn 1.600 em (nhiều em bị khuyết tật sau đó học đại học). 

Đối với Trung tâm Vì Ngày Mai - đó là niềm hạnh phúc, tự hào vì đã giúp được 1.600 số phận hẩm hưu tự đứng lên, vượt qua thách thúc để trở thành người có ích. Kể từ đây, trung tâm bước sang chặng đường mới: Quyền được hỗ trợ để dạy học và tìm việc làm. Chắc chắn, tới đây, con số người khuyết tật được đào tạo tại trung tâm sẽ vượt xa hơn 18 năm qua. 

“Đó sẽ là một áp lực không nhỏ đối với chúng tôi; mới chỉ yên tâm một phần vì có kinh phí để trả lương cho giáo viên, hỗ trợ cho học sinh tiền ăn, tiến học tập… Tôi vẫn phải tiếp tục đi gõ cửa các “mạnh thường quân” để xin hỗ trợ”, chị Hiền nói.

Năm 2010, trung tâm đã thành công trong việc nghiên cứu sản phẩm mới bằng giấy cứng, không thấm nước, không cháy và có độ bền gần giống mây tre, đảm bảo chất lượng an toàn cho NTD. Đó chính là tiềm năng mới về dòng sản phẩm tiêu dùng và XK, tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật.

Để sản phẩm của người khuyết tật và các nhóm khuyết tật XK mang tính cạnh tranh cao, trung tâm đã làm đơn xin gia nhập Tổ chức Công bằng thương mại thế giới (WFTO) nhằm giúp đỡ các nhóm yếu thế, trong đó có người khuyết tật.

Tháng 4/2011, WFTO đã cử kiểm toán viên quốc tế sang thực hiện kiểm toán, cũng như thẩm định một số cơ sở của trung tâm. Tháng 8/2011, trung tâm được kết nạp là thanh viên dự bị và 16/1/2012, trở thành thành viên chính thức. Hy vọng, cùng với dạy nghề, trung tâm sẽ là những đầu ra quan trọng cho các nhóm sản xuất những dòng sản phẩm mới mang tính cạnh tranh.

Chị Hiền quả quyết: 2012 là năm khởi đầu của môi trường xanh - kêu gọi toàn dân không dùng túi nilon. Trung tâm đã thử nghiệm khả năng và đến bây giờ, chúng tôi khẳng định được là việc cung cấp túi này rất phù hợp - tạo việc làm cho người khuyết tật, có thể tổ chức cho họ nhận gia công tại nhà, tại xưởng và cung ứng ngay tại địa phương, thay cho việc các DN phải xây dựng nhà xưởng công cụ và lao động tập trung.

Một cơ sở sản xuất của Trung tâm Vì Ngày Mai (Ảnh Hoang Van Art)
Một cơ sở sản xuất của Trung tâm Vì Ngày Mai (Ảnh Hoang Van Art)

 Trung tâm cùng Sở Công Thương Hà Nội trình phương án dành việc sản xuất và cung ứng túi môi trường cho người khuyết tật (từ tháng 10/2011 đến nay, đã cung cấp hàng trăm nghìn túi cho các siêu thị, cửa hàng).

Sự thành công hôm nay, bên cạnh những nỗ lực vượt bậc của hết thảy mọi CBNV trung tâm, còn có sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, của các tổ chức, các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, các tình nguyện viên trong nước và quốc tế… 

Sản phẩm của trung tâm đã và đang XK đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức, Séc… Trung tâm tự hào được Quỹ Đông Tây Hội Ngộ lựa chọn là một trong Top 10 tổ chức tốt nhất năm 2010. Trung tâm trở thành tổ chức đầu tiên của Việt Nam được nhận Giải Vì cộng đồng (Beak kang_ Hàn Quốc) và nhiều phần thưởng cao quý khác…

Giờ đây, Trung tâm Vì Ngày Mai đã chuyển địa chỉ từ thôn Viên, Cổ Nhuế, Từ Liêm, đến số 389 An Dương Vương, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội). Đó là một DN tuy không lớn, nhà xưởng, cơ sở vật chất, trang thiết bị tuy còn eo hẹp, song bù lại, có đội ngũ CBNV nhiệt tình, chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo nghề và kết nối sản phẩm, tạo việc làm cho người khuyết tật sau đào tạo.

Nữ Giám đốc trải lòng:

“Tôi đã có thể nghỉ, trung tâm có thể đóng cửa, nhưng hàng trăm em bơ vơ thì ai có thể giúp đỡ? Cả cuộc đời, tôi đã dành tình cảm, sự yêu thương, không chỉ cho những người con ruột thịt, mà còn cho các em khuyết tật. Trung tâm là tâm huyết của cả đời tôi, nếu phải xa thì thấy nuối tiếc… Mình sống đâu chỉ cho riêng mình? Phải biết nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta không chỉ sống bởi hiện tại, mà còn vì ngày mai”.

Trung tâm Vì Ngày Mai đã và đang xây dựng một mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm cho người khuyết tật một cách toàn diện. Đến với Trung tâm Vì Ngày Mai, các học viên không còn tâm lý rụt rè, họ rất tự tin hòa nhập với cộng đồng, có điều kiện phát triển, thăng tiến trong cuộc sống.  

Chắp cánh những ước mơ   

Một số thành tích trung tâm đạt được trong hơn 10 năm qua
Một số thành tích trung tâm đạt được trong hơn 10 năm qua

 Chị Hiền chia sẻ:

“Trung tâm Vì Ngày Mai là tâm huyết cả đời tôi, nếu mất đi thì rất tiếc. Trung tâm lại có cả trẻ mồ côi, không có ai duy trì trung tâm thì những đứa trẻ đó sẽ biết đi về đâu?...”.

Chỉ một chi tiết đó thôi, cũng đủ thấy, nữ doanh nhân - Giám đốc Lê Minh Hiền là một người phụ nữ đáng để cho chúng ta, những người bình thường cảm phục, tin yêu. Chị gắn với trung tâm, không đòi hỏi một điều gì cho riêng mình. Chị mời gọi những người khuyết tật thành nghề về dạy cho các em, còn mình dù sức khỏe yếu vẫn chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm kiếm nguồn tiêu thụ hàng hóa, tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật.

Còn có một điều kỳ diệu nữa mà người nữ Giám đốc đã làm được và không phải trung tâm hỗ trợ người khuyết tật nào cũng có thể làm được đó là trực tiếp đứng ra làm “cầu nối” kết duyên cho hơn 30 cặp vợ chồng tại chính mái nhà Vì Ngày Mai.

Có người thắc mắc: Đã là người khuyết tật (nhất lại là khuyết tật bẩm sinh) - “kết tóc xe duyên” liệu có nên?

Chị Hiền từ tốn: Đối với những người không may bị khuyết tật, lâu nay - gia đình và xã hội thường có cái nhìn khác về họ; chưa hiểu hết về họ, chưa thấu đáo đúng vị trí của họ. Thậm chí, có người nhìn nhận “đã là người khuyết tật thì còn lấy vợ lấy chồng làm gì” và rằng “người khuyết tật là gánh nặng của xã hội”... Song, ít ai nhìn thấy ở họ một ý chí và nghị lực vươn lên rất cao nếu được tạo điều kiện thuận lợi.

Bằng chứng là, những ngày đầu, đến với trung tâm, các em còn bỡ ngỡ, lạ lẫm. Có em, sau nhiều năm chỉ biết quanh quẩn trong 4 bức tường, có em chưa được 1 ngày đến trường, nhiều em chưa học hết cấp tiểu học… Nhưng đến với trung tâm, hết thảy mọi người đều được hòa nhập, được học nghề, có việc làm, có cuộc sống ổn định - bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Vì vậy, để các em học nghề và làm việc được, trung tâm phải tổ chức các lớp dạy văn hóa giúp mọi người đọc thông viết thạo, được học ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính, học kỹ năng giao tiếp, ứng xử, biết cách chăm sóc sức khỏe vị thành niên…

Hoạt động chính của trung tâm là dạy nghề. Với trình độ văn hóa thấp, với kiến thức và hiểu biết xã hội của các em còn hạn chế, không chỉ đội ngũ giáo viên là những nghệ nhân giỏi, tâm huyết nhiệt tình, mà còn đòi hỏi phải có phương pháp dạy sao cho dễ học, dễ tiếp thu mà sau này các em dễ tìm được việc làm - đó là những nghề thủ công truyền thống may, thêu, mỹ nghệ…, dạy theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”.

Với yêu cầu của DN, chỉ cần các em làm được thuần thục một công đoạn nào đó trong dây chuyền - là coi như các em đã có nghề và nhận vào làm việc. Song, cơ hội để thăng tiến là điều hiếm hoi.

“Ban lãnh đạo kỳ vọng, sau này khi các em rời trung tâm là đã lớn lên rất nhiều, biết nuôi cho mình những hoài bão, những ước mơ như bao người khác. Các em có kiến thức toàn diện hơn, năng động hoạt bát hơn để không những chỉ xin được việc làm tại DN, mà còn có thể tự tìm được cho mình các vị trí mơ ước tưởng như xa vời như tự lập xưởng sản xuất, trở thành những ông chủ, thợ giỏi…”, chị Hiền tâm sự.

Chính bởi phương pháp đó - đã giúp các em không chỉ dừng lại ở chỗ có việc làm cho mình, mà còn chắp thêm đôi cánh, hướng cho các em vươn tới ngày mai...   

Ghi chép củaXuân Phong