Địa phương đã triển khai thực hiện nhiều dự án có quy mô lớn, có tính lan tỏa , tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh, trong đó tập trung đầu tư hoàn thành Môi trường bền vững các thành phố duyên hải; hạ tầng khu công nghiệp Thành Hải; đẩy nhanh tiến độ Hồ chứa nước Sông Than; nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán (ADB8); các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng như Đường nối từ cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná...
Đường nối từ thị trấn Tân Sơn đi ngã tư Tà Năng, góp phần phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, khai thông hạ tầng, tạo điều kiện thu hút các dự án; đôn đốc tiến độ các dự án trong Khu, Cụm Công nghiệp; dự án năng lượng; các khu đô thị, nhà ở xã hội; du lịch; dự án nuôi biển và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh đang tiếp tục xúc tiến đầu tư xây dựng tuyến đường động lực kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên phục vụ nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hóa, quặng bauxit Tân Rai, Nhân cơ (với lượng hàng hóa khoảng 1,2 triệu tấn/năm); xuất nhập khẩu nông sản của các tỉnh Tây nguyên về Cảng; kết nối các Khu công nghiệp, phát triển dịch vụ.
Hiện nay, tiềm năng, vị thế của tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh được đầu tư ngày càng động bộ, liên thông, cơ bản đáp ứng cho yêu cầu phát triển, cụ thể:
Ninh Thuận thành đang trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước:Đến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 57 dự án năng lượng với tổng công suất 3.749 MW hòa lưới điện Quốc gia, phát điện trên 7,7 tỷ kWh đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh;
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ bổ sung Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất 1.500MW vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, từng bước hình thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ.
Cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, đồng bộ: Hoàn thành Đường đôi vào hai đầu thành phố; Đường Văn Lâm – Sơn Hải; dự án Hồ Tân Mỹ với dung tích 219 triệu m3 đường ống thép cấp nước hơn 20 km hiện đại nhất Việt Nam, liên thông hồ chứa phía Bắc tỉnh giúp Ninh Thuận từng bước đảm bảo nguồn nước cho nông nghiệp để ổn định phát triển nông nghiệp; Phối hợp với Tập đoàn EVN triển khai thực hiện dự án thủy điện tích năng Bác Ái với công suất 1.200 MW; điều chỉnh Cảng tổng hợp Cà Ná là cảng Tổng hợp loại II với công suất tiếp nhận hàng là 100.000 DWT và có khả năng tiếp nhận tàu 300.000 DTW, hướng đến hình thành cảng trung chuyển quốc tế.
Căn cứ định hướng Quy hoạch, tỉnh đang tập trung xúc tiến đầu tư tập trung vào 5 nhóm ngành quan trọng gồm: Năng lượng, năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng và thị trường bất động sản.
Năm 2024, công tác xúc tiến đầu tư tập trung triển khai đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng , trong đó thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thủy điện, phát triển công nghiệp, hạ tầng đô thị, du lịch. Nhiều dự án có quy mô lớn, có tính lan tỏa được triển khai thực hiện tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh, trong đó tập trung thu hút phát triển mạnh mẽ công nghiệp, Trung tâm điện lực LNG, Thủy điện tích năng Phước Hòa….
Ninh Thuận kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm: Dự án Cảng cạn và Trung tâm dịch vụ Logistics; Dự án Tổng kho xăng dầu Cà Ná; Dự án Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối; Dự án nhà máy sản xuất tạo động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và của tỉnh nói chung.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển cho 14 dự án trọng điểm với tổng số vốn dự kiến đầu tư 120.000 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 64 dự án/51.514 tỷ đồng. Trong đó: điều chỉnh 4 dự án Du lịch với tổng vốn tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng; 1 dự án năng lượng Thủy điện tích năng Phước Hòa vốn đầu tư 22.865 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng: Ninh Thuận rất năng động, sáng tạo trong thu hút đầu tư: Nắng nhiều thu hút các dự án điện mặt trời; Gió nhiều thu hút các dự án điện gió; Đất khô cằn sỏi đá giá đất thấp, quỹ đất còn nhiều, đền bù giải tỏa kinh phí thấp, dễ thực hiện, thu hút các dự án Khu đô thị mới, Dự án các nhà máy, khu công nghiệp; Nắng, gió nhưng có Biển thì quy hoạch và thu hút các dự án Khách sạn du lịch Biển; Đất đai kho cằn, cát sỏi, nắng gió….thì quy hoạch thu hút các dự án nông nghiệp trồng những loại cây thích hợp như Nho, Táo, Măng Tây…Đây là cách làm đã dẫn tới thành công của nhiều quốc gia Trung Đông. Nếu biết vận dụng năng động, sáng tạo, chắc chắn thời gian tới Ninh Thuận sẽ thành công .
Trần Minh Ngọc