Số liệu cho thấy, hiện Tổng cục Đường bộ quản lý 58 dự án BOT đường bộ đang hoạt động. Trong đó, tháng 1, các trạm thu phí thu hơn 1.205 tỷ đồng; tháng 2 hơn 989 tỷ đồng; tháng 3 hơn 1.184 tỷ đồng.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã công bố số thu dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án BOT trong giai đoạn kinh doanh khai thác của năm 2018. Theo đó, số thu  lũy kế từ đầu dự án đến hết năm 2018 là hơn 47.442 tỷ đồng, số thu từ đầu dự án đến 31/12/2017 là trên 35.250 tỷ đồng, riêng số thu quý IV/2018 đạt gần 3.000 tỷ đồng, số thu cả năm 2018 là 12.192 tỷ đồng.

Mỗi tháng thu hơn 1.000 tỷ đồng tiền phí phương tiện qua trạm BOT - Hình 1

Phương tiện lưu thông qua trạm thu phí BOT

Vừa qua, qua giám sát hoạt động thu phí một số dự án, như trạm thu phí: Quốc lộ 5, Dầu Giây, Ninh Lộc, Cầu Bến Thủy, Tổng cục đường bộ đều đánh giá, các trạm thu phí chấp hành đúng quy định, số doanh thu phù hợp với báo cáo đình kỳ gửi Bộ GTVT.

Theo kế hoạch, trong nửa đầu năm 2019, Tổng cục Đường bộ sẽ thực hiện giám sát hoạt động thu phí BOT đường bộ với 11 trạm thu phí, gồm: Phả Lại (QL18, Bắc Ninh); Tam Nông (Phú Thọ); cầu Thái Hà  (Thái Bình); Tiên Cựu (QL10, Hải Phòng), trạm QL38, QL14 (Đường Hồ Chí Minh) qua Đắc Nông và Đắc Lắk, Cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Mỹ Lợi, và trạm QL1 Bình Thuận.

Thành phần đoàn giám sát gồn lãnh đạo các Cục quản lý đường bộ, đại diện Tổng cục Đường bộ, Cục Thuế các tỉnh có trạm thu phí, Cục An ninh kinh tế, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an).

Hằng Vương